Hé lộ kết quả thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Đức và Nhật Bản

Các đơn vị thực hiện thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Đức và Nhật Bản cho biết kết quả bước đầu.

3

Một đoạn sông Tô Lịch đang thí điểm xử lí bằng Redoxy - 3C. (Ảnh: Di Linh).

Công nghệ nước ngoài làm nước sông Tô Lịch bớt mùi hôi thối

Như chúng tôi đã đưa tin, Công ty Thoát nước Hà Nội đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng việc phun rải chế phẩm Redoxy - 3C tại khu vực chân cầu Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).

Cụ thể, Công ty Thoát nước Hà Nội đã quây một đoạn sông Tô Lịch để thí điểm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Khu vực này được quây kín bằng các tấm thép dày, gia cố chắc chắn.

Được biết, chế phẩm Redoxy -3C khi "hoạt động" sẽ cung cấp oxy cho nước và hệ sinh thái ở sông; vi sinh vật hiếu khí sẽ hoạt động và thúc đẩy quá trình tự xử lí nước.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Minh Hiền, Đội trưởng Đội Quản lí duy trì hồ (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết khu vực quây thử nghiệm lượng oxy hòa tan tăng đáng kể và đã bớt mùi hôi thối, một số chỉ số ô nhiễm khác cũng giảm.

IMG_7493

Công nghệ Nhật Bản cũng được thí điểm tại sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).

Hiện một đơn vị khác cũng đang thí điểm xử lí ô nhiễm ở sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano - Bioreactor).

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ phụ trách kĩ thuật Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thí điểm công nghệ trên) cho biết, công nghệ Nano - Bioreactor có phương pháp xử lí trực tiếp trên dòng sông mở, vẫn luôn có nước thải chảy hàng ngày vào khu vực xử lí nhưng nước vẫn bớt mùi và trong hơn, lượng bùn bị phân hủy thành CO2, nước và giảm đáng kể.

"Vật liệu Bioreactor làm từ đá núi lửa Nhật Bản, không tan trong nước tồn tại vĩnh viễn ở khu vực xử lý nên không cần định kì bổ sung sau khi xử lí, và không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết hàng loạt.

Công nghệ Redoxy-3C (Đức) xử lí trong khu vực quây kín, tách biệt, không có nước thải chảy vào và không có dòng chảy lưu thông của một dòng sông.

Redoxy-3C là chế phẩm tan trong nước, theo thông tin bên công ty thực hiện các dự án xử lí nước hồ bằng Redoxy-3C thì định kì 3,6,9 tháng tùy hồ bị tái ô nhiễm thì sẽ phải bổ sung.

Đặc biệt hồ vẫn bị tái ô nhiễm, vẫn xảy ra hiện tượng cá chết tại một số hồ đã xử lí", cán bộ kĩ thuật của JVE cho hay.

Vật liệu thiên nhiên dùng trong công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Di Linh).

Băn khoăn về công nghệ Nhật Bản

Trao đổi với chúng tôi về công nghệ Nhật Bản đang thí điểm, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết "hồi sinh" một dòng sông nghĩa là sông phải có dòng chảy từ trên thượng nguồn xuống hạ nguồn, có lượng nước chảy liên tục.

"Tô Lịch có thể gọi là dòng sông được hay không? Đây là một vấn đề! Mực nước sông chỉ có vài chục cm, nguồn nước chủ yếu là từ nước thải đô thị và nước mưa. Vậy đây có gọi là sông hay không", TS Tứ nói.

Theo TS Tứ, phục hồi một dòng sông không phải câu chuyện làm sạch nước ở một khu vực.

"Công nghệ Nano - Bioreactor có thể làm sạch nước, bùn cát có thể giảm nhưng với Tô Lịch thì không thể đơn giản bằng việc lắp máy ở một khu vực và áp dụng cho toàn tuyến sông", TS Đào Trọng Tứ cho hay.

IMG_5759

Một góc hồ Tây được quây để thí điểm công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Di Linh).

Cũng theo TS Tứ, muốn làm sạch dòng sông không phải đi theo hình thức làm sạch ở dưới sông mà phải tách hệ thống nước thải, xử lí sạch rồi mới đưa ra sông.

Ông Tứ cho biết, sông Tô Lịch có thể bổ cập nước sông Hồng để tạo dòng chảy lưu thông.

"Ngoài ra, cần tổ chức hội thảo về công nghệ này để những nhà khoa học Việt Nam xem như thế nào. Còn chỉ lấy mẫu nước và nói thay đổi tốt lắm thì ai cũng mừng", TS Đào Trọng Tứ nói thêm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.