Tắc đường, người đi xe máy ở Hà Nội phải leo vỉa hè. (Ảnh: Di Linh).
Liên quan đến vấn đề hạn chế xe máy ở Hà Nội, theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, đề án "Phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" có một số nguyên tắc.
Nguyên tắc chung của việc phân vùng hoạt động đối với xe máy gồm: Khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải nằm trên địa bàn các quận; Khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có vành đai hạn chế đảm bảo điều kiện về kĩ thuật thuận lợi cho việc tổ chức giao thông và bố trí các điểm trung chuyển.
Ngoài ra, năng lực hệ thống vận tải công cộng và các phương tiện thay thế trong khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Về nguyên tắc phân vùng cụ thể, báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trên tuyến đường, tuyến phố sẽ tiến hành hạn chế hoạt động của xe máy khi hạ tầng giao thông đảm bảo điều kiện kĩ thuật cho hoạt động vận tải công cộng (mặt cắt ngang, số làn xe cơ giới, vỉa hè cho người đi bộ, bố trí làn xe đạp,...).
Đồng thời năng lực vận tải công cộng trên tuyến được lựa chọn phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (đáp ứng được số chuyến đi bằng xe máy khi chuyển đổi) và ưu tiên phát triển vận tải công cộng trên tuyến đường, tuyến phố (ưu tiên bố trí làn dành riêng cho xe buýt,...).
Ngoài ra, không hạn chế hoạt động của xe máy trên các tuyến đường mang tính chất độc đạo.
Sẽ không hạn chế xe máy ở đường mang tính chất độc đạo. (Ảnh: Di Linh).
Đối với khu vực, các tuyến đường trục chính trong khu vực hạn chế phải đảm bảo điều kiện kĩ thuật cho hoạt động vận tải công cộng (mặt cắt ngang, số làn xe cơ giới, vỉa hè cho người đi bộ, bố trí làn xe đạp,...).
Các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực hạn chế đảm bảo theo Qui hoạch GTVT thủ đô Hà Nội được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg và các qui chuẩn, qui định được ban hành.
Phải đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kĩ thuật (bến, bãi đỗ xe, hệ thống giao thông kết nối,...) tại khu vực Vành đai hạn chế xe máy.
Bên cạnh đó, năng lực hệ thống vận tải công cộng (xe buýt, BRT, đường sắt đô thị) và các phương tiện thay thế phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (đáp ứng được số chuyến đi bằng xe máy khi chuyển đổi). Đảm bảo người dân tiếp cận hệ thống giao thông công cộng thuận lợi về không gian và thời gian.
Xe buýt ở Hà Nội "chết đuối" trong biển xe cá nhân. (Ảnh: Di Linh).
Ngoài các nguyên tắc nêu trên, báo cáo của Sở GTVT cũng đưa ra đề xuất lộ trình phân vùng đối với xe máy.
Cụ thể, giai đoạn 2019-2025: Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo Quy hoạch, kế hoạch.
Hạn chế đăng kí mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh vào năm 2025.
Ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ với mức giá thay đổi theo năm sử dụng đối với những xe máy có tuổi đời dưới 10 năm; Thí điểm hạn chế hoạt động xe máy trên một số tuyến, một số khu vực cụ thể.
Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải công cộng với mục tiêu đáp ứng 48,5% nhu cầu đi lại trong khu vực Vành đai 1.
Qui mô: Xe buýt 166 tuyến, 2.500 phương tiện; Đường sắt đô thị 2 tuyến; Taxi 25.000 phương tiện; Xe hợp đồng (đến 9 chỗ) 30.000 phương tiện; Xe đạp công cộng 6.000 phương tiện.
Giai đoạn này cũng hạn chế hoạt động xe máy trong khu vực Vành đai 1 với diện tích 25,91km2, dân số khoảng 700 ngàn người.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm vẫn chưa khai thác. (Ảnh: Di Linh).
Giai đoạn sau năm 2030: Hạn chế hoạt động xe máy trong khu vực Vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật và năng lực vận tải công cộng.
Phát triển lực lượng vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại trong khu vực Vành đai 3 với quy mô: Xe buýt 180 tuyến, 2.700 phương tiện; Đường sắt đô thị 9 tuyến; Taxi: 30.000 phương tiện; Xe hợp đồng (đến 9 chỗ) 30.000 phương tiện; Xe đạp công cộng 10.000 phương tiện.
Trao đổi với chúng tôi về đề xuất lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô Hà Nội, anh Hoàng Minh Tuấn (Hoàng Mai) cho rằng không ai muốn hít khói bụi ngoài đường nếu vận tải công cộng tốt.
"Cá nhân tôi cho rằng nếu xe buýt đi đúng giờ, giải quyết được hầu hết nhu cầu đi lại và người dân khi xuống xe buýt không phải đi bộ quá xa để đến nơi cần đến thì sẽ ít người muốn đi xe cá nhân.
Tôi lên xe buýt điều hòa mát mẻ, không phải lo nắng, bụi thì tại sao phải đi xe máy? Nhưng vấn đề xe buýt của chúng ta chưa phủ khắp. Nhiều khi bạn đi xe buýt xong phải đi bộ quá xa hoặc phải gọi thêm cả xe ôm", anh Tuấn nói.
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới thi công đoạn trên cao. (Ảnh: Di Linh).
Theo anh Nguyễn Công Tín (Cầu Giấy), nếu sử dụng phương tiện công cộng và sau đó phải đi bộ khoảng 500m thì còn có thể chấp nhận được.
"Tôi hi vọng rằng với lộ trình như trên, Hà Nội phát triển xe buýt, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị và thêm xe đạp công cộng ở các điểm nhà ga... để người dân thuận lợi di chuyển.
Bên cạnh đó, nếu chi phí vận tải công cộng ít hơn so với xe cá nhân thì không cần cấm, tự bản thân thôi cũng không muốn đi xe máy", anh Tín nói.