Hà Nội ngập tràn phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).
Liên quan đến vấn đề hạn chế xe máy ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Thông cho biết ở những thành phố phát triển, vận tải hành khách công cộng đóng vai trò chính trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại.
"Khi đó, phương tiện cá nhân giữ vai trò nhất định và được cố định đối với qui hoạch của mỗi thành phố", ông thông cho hay.
Theo vị này, muốn hạn chế xe máy thì vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, ông Thông cho rằng chúng ta cũng có thể từng bước nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tài chính, tác động vào việc sử dụng xe cá nhân để cho thấy lợi thế của vận tải công cộng. Từ đó, người dân sẽ dần thay đổi thói quen từ việc so sánh lợi ích giữa xe cá nhân và vận tải công cộng.
"Khi vận tải công cộng chất lượng tốt, thuận tiện, đủ sức hấp dẫn hơn phương tiện cá nhân thì người dân mới tự giác sử dụng", ông Thông nói.
Mỗi ngày, hàng vạn xe máy đổ ra đường. (Ảnh: Di Linh).
TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia giao thông cũng đồng tình với vấn đề cần phát triển vận tải công cộng thì mới hạn chế được xe máy.
"Chúng ta nên đặt vấn đề xe buýt là phương tiện công cộng thay xe máy; tàu điện là phương tiện vận tải lớn, thay thế xe buýt", ông Nam nói.
Ngoài ra, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông (xin giấu tên) cho rằng "hạn chế xe máy là điều hiển nhiên phải làm".
"Có thể khi chúng ta nói hạn chế, cấm xe máy, rất nhiều người dân sẽ bức xúc đặt câu hỏi là đi bằng gì?. Đây là câu hỏi rất đúng trọng tâm!
Nhưng nên nhớ, đây mới chỉ là kế hoạch, lộ trình. Chúng ta có cả chục năm tới để phát triển vận tải công cộng từ xe buýt, tàu điện... Và người dân cũng có chừng đó thời gian để thay đổi thói quen ra đầu ngõ cũng đi xe máy.
Tuy nhiên, nói đi cần nói lại, Hà Nội phải phát triển đồng bộ hệ thống vận tải công cộng. Khi nào vận tải công cộng đáp ứng được 80-90% thì không cần hạn chế, người dân cũng sẽ bỏ xe máy", vị này nói.
Ám ảnh đội nắng, hít khói bụi trên những cung đường tắc nghẽn, nhìn quanh toàn xe máy ở Hà Nội. (Ảnh: Di Linh).
Đối với vấn đề phân vùng, hạn chế xe máy, Sở GTVT Hà Nội đã xác định nhiều loại phương tiện thay thế như xe buýt, minibus, BRT, đường sắt đỗ thị và các loại phương tiện hỗ trợ khác như taxi, xe đạp.
Trong các phương tiện thay thế này, xe buýt đóng vai trò chủ đạo đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị, BRT) hoàn thiện mạng lưới theo qui hoạch (dự kiến sau năm 2030).
Sau đó, xe buýt sẽ hỗ trợ gom khách cho các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khi hình thành.
Người dân đứng chờ xe buýt ở Thủ đô. (Ảnh: Di Linh).
Minibus sẽ hoạt động trong khu vực hạn chế về điều kiện hạ tầng (mặt cắt ngang đường nhỏ hẹp), gom khách cho các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống giao thông công cộng tới người dân.
Xe buýt nhanh BRT sẽ kết nối khu vực trung tâm với các khu đô thị vệ tinh trên các hành lang vận tải lớn. Qui mô đến năm 2030 phát triển 08 tuyến.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày khai thác thương mại. (Ảnh: Di Linh).
Đường sắt đô thị với khả năng chuyên chở lớn (>30.000 HK/giờ/hướng) được xác định là "xương sống" chủ yếu của hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm nhiệm vận tải hành khách trên các trục chính có nhu cầu đi lại lớn.
Các phương tiện khác như taxi, xe đạp công cộng sẽ giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, hỗ trợ cho hoạt động vận tải công cộng; giải quyết các chuyến đi ngắn...
TP Hà Nội hiện có 123 tuyến xe buýt (100 tuyến được trợ giá) với 1.915 xe; mạng lưới đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 438/584 xã, phường, thị trấn (đạt 75%).
Xe buýt cũng được kết nối với 62/71 bệnh viện (đạt 87%); 190/283 trường THCS, THPT (đạt 67%); 27/27 các khu công nghiệp (đạt 100%); 30/30 các khu đô thị (đạt 100%).
Năm 2017, Công an TP Hà Nội đã công bố kết quả 15.000 phiếu khảo sát (ở 30 quận, huyện) cho thấy có trên 90% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy trong nội thành.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân của người dân Thủ đô là 84%, trong khu vực Vành đai 3 là trên 85%.
Trong số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%. Tuy nhiên, người dân Thủ đô yêu cầu phải nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại.