Kế hoạch hạn chế xe máy ở Hà Nội: Cần thiết nhưng khó, phức tạp và nhạy cảm

Theo UBND TP Hà Nội, phân vùng hạn chế hoạt động xe máy là nhiệm vụ cần thiết nhưng khó, phức tạp và nhạy cảm.

IMG_9605

Tại Hà Nội và nhiều đô thị khác của Việt Nam, xe máy là phương tiện chính của người dân. (Ảnh: Di Linh).

Hạn chế xe máy phức tạp, nhạy cảm

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND, ngày 4/7/2017 của HĐND TP về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lí phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".

Đối với nhiệm vụ "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030", báo cáo cho biết đây là "một nhiệm vụ cần thiết".

"Nhưng là một việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài TP.

Do đó, Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND TP giai đoạn 2019-2010", báo cáo nêu.

IMG_9629

Nửa đầu năm 2019, người Việt Nam mua trung bình hơn 8.300 xe mỗi ngày, doanh số khoảng hơn 1,5 triệu xe.

Nhiệm vụ khác liên quan đến xe máy như rà soát và có biện pháp xử lí đối với xe máy không đảm bảo an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất qui định. Sau khi có qui định sẽ triển khai tiếp.

Nhiệm vụ "thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất)...", báo cáo cho biết do hồ sơ đăng kí xe mô tô không điền đầy đủ thông tin năm sản xuất phương tiện gây khó khăn cho công tác thống kê số lượng xe máy theo năm. Công an TP tiếp tục triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, Hà Nội cũng đã triển khai nhiệm vụ "Lập qui hoạch phương tiện giao thông đường bộ trước mắt qui hoạch các phương tiện vận tải công cộng, xe buýt, taxi...".

Với nhiệm vụ này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn TP.

Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra, đến nay, Hà Nội đã mở mới 15 tuyến buýt (9 tuyến trợ giá, 4 tuyến không trợ giá, 2 tuyến City tour).

IMG_9670

Hạ tầng giao thông ở Hà Nội quá tải với hàng triệu phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).

Hạn chế xe máy thành hay bại phụ thuộc vận tải công cộng?

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2018, TP Hà Nội có tổng số khoảng 6,2 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó chủ yếu là xe máy với trên 5,6 triệu chiếc (chiếm trên 90%), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2017 đạt 6,8%/năm.

"Trong khi đó, hạ tầng giao thông của TP đã được quan tâm đầu tư nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân", báo cáo của Sở GTVT nêu.

Sở GTVT Hà Nội cũng đánh giá đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" là một trong những chủ trương hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, Sở này nhận định, một đô thị với đặc thù cấu trúc đô thị và lối sống, thói quen sinh hoạt của người dân phụ thuộc vào xe máy như Hà Nội, việc hạn chế hoạt động của xe máy sẽ có tác động lớn đến đời sống của người dân.

Do đó, để đảm bảo thực hiện chủ trương trên một cách hiệu quả cần có nghiên cứu khoa học, thực tiễn để đề xuất các phương án, lộ trình, phạm vi cụ thể, phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông cũng như sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng theo quy hoạch, kế hoạch.

IMG_9677

Vận tải công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị được coi là giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).

Về vấn đề phân vùng hoạt động xe máy, báo cáo của Sở GTVT cũng nêu việc Viện Chiến lược và Phát triển GTVT có nghiên cứu kinh nghiệm một số đô thị trên thế giới.

Ví dụ, TP Quảng Châu (Trung Quốc) đã thành công trong việc hạn chế xe máy với lộ trình cụ thể được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu giới hạn đăng kí mới, giai đoạn tiếp theo thí điểm hạn chế một số tuyến đường, khu vực và mở rộng dần, tiến tới hạn chế hoạt động trên toàn bộ TP vào năm 2007.

Song song với đó TP Quảng Châu đã phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

IMG_9647

Hạn chế hoạt động xe máy cần sẵn sàng phương tiện thay thế. (Ảnh: Di Linh).

Một ví dụ khác là TP Yangon (Myanmar) thất bại trong việc hạn chế hoạt động của xe máy khi TP chưa chuẩn bị sẵn các phương án giao thông thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với hệ thống vận tải hành khách công cộng lạc hậu, kém phát triển.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến tháng 7/2019, địa bàn TP còn 27 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông).

Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, chất lượng phục vụ được nâng cao, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện cơ bản đã phục vụ đến các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và các khu đô thị mới, phương tiện từng bước được đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong quản lí, điều hành.

Đến nay, vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được 15,7% (tính đến 6 tháng đầu năm 2019); dự kiến hết năm 2019 đạt 17,3% (năm 2018 là 14,19 %).

Bên cạnh đó hạ tầng giao thông được từng bước đầu tư có hiệu quả, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt đến tháng 6/2019 đạt 9,55%; dự kiến đến hết 2019 đạt 9,75% (năm 2018 là 9,38%).

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.