Heineken bị truy thu hơn 917 tỉ đồng tiền thuế

Tổng cục thuế cho rằng Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam nhưng đã không thực hiện tại thời điểm chuyển vốn.
Heineken bị truy thu hơn 917 tỉ đồng tiền thuế - Ảnh 1.

Heineken bị truy thu tiền thuế hơn 917 tỉ đồng. (Ảnh: Heineken).

Thanh tra Tổng cục Thuế vừa ban hành kết luận thanh tra và quyết định xử lí thu thương vụ chuyển nhượng vốn Công ty Heineken Hà Nội.

Tổng cục thuế cho biết cuối 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) kí Hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Thương vụ có giá trị lên tới hơn 4.800 tỉ đồng.

Trong vụ việc này, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp (thay) tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế gần 823 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó có văn bản gửi Cục thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế trên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore.

Do đó, từ khi chuyển nhượng cho đến khi bị cơ quan thuế thanh tra, toàn bộ số tiền thuế của thương vụ này vẫn chưa được doanh nghiệp nộp vào ngân sách theo quy định.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự đã nêu rõ, trường hợp giá trị bất động sản chiếm từ 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng (kê khai và nộp thuế) ở nước sở tại.

Trong thương vụ này, Vụ thanh tra Tổng cục thuế kết luận giá trị bất động sản chiếm hơn 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng. Do đó, Công ty Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam.

Được biết, cuối tháng 12/2019, sau khi Tổng cục thuế ban hành kết luận thanh tra, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó số tiền thuế chuyển nhượng là gần 823 tỉ đồng, phần còn lại là tiền chậm nộp.

Vẫn theo lãnh đạo Vụ Thanh tra, năm qua nổi bật vấn đề thuế thu từ các cuộc thanh, kiểm tra các công ty có hoạt động chuyển giá, giao dịch liên kết, đầu tư nước ngoài. Số thuế truy thu, truy nộp chiếm tỷ trọng rất cao.

Lãnh đạo Vụ Thanh tra cho biết, trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ, giống trường hợp Heineken thường sẽ phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa giữa các nước có kí kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Có dòng thuế mà bên nước ngoài không thu trong khi doanh nghiệp vẫn cố gắng vận dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giống như trường hợp Heineken, họ khai thuế nhưng đồng thời nộp Hiệp định tránh đánh thuế và xin được áp dụng hiệp định này.

“Trong quá trình thanh, kiểm tra, cơ quan thuế phải chứng minh tỉ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng, thì phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, không thể theo hiệp định được và phải nộp thuế tại Việt Nam”, lãnh đạo Vụ Thanh tra nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.