Hết hot, cửa hàng trà sữa căng băng rôn bán hàng đồng giá, giảm giá 50%

Trên các cung đường trà sữa ở TP HCM, cửa hàng trà sữa liên tục treo bảng giảm giá đến 50%, mua 1 tặng 1, đồng giá... Và trong số đó, không ít điểm bán từng đông khách xếp hàng chờ mua nay lặng lẽ đóng cửa.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, từ giữa tháng 7/2017 đến cuối năm 2018, đã có hơn 700 cửa hàng trà sữa ra đời tại Việt Nam. Con số này vượt xa hơn hẳn khoảng 500 cửa hàng cà phê hiện hữu của Trung Nguyên, Highlands, The Coffee House… Tính chung, cả nước có hơn 1.500 cửa hàng trà sữa với khoảng 100 thương hiệu cạnh tranh.

Còn nghiên cứu về hành vi tiêu dùng bên ngoài của Kantar Worldpanel, trong 6 tháng đầu năm nay ở TP HCM, trà sữa vẫn là thức uống được giới trẻ chọn mua nhiều nhất chỉ sau cà phê. Trong khi AdMicro chỉ ra cứ 5 người trong nhóm tuổi 15-21 ở thành thị thì sẽ có một người uống trà sữa 2-3 lần/tuần. Trà sữa cũng là thức uống yêu thích thứ 2 của người Việt sau sinh tố/đá xay.

Những cung đường cà phê ở Sài Gòn biến thành đường trà sữa 

Bùng lên từ 2016, đến nay thị trường Việt Nam đã có trên 100 thương hiệu trà sữa tranh nhau giành miếng bánh trị giá gần 300 triệu USD, theo đánh giá của Euromonitor. Nổi bật là các tên tuổi đến từ Đài Loan như Ding Tea, Gong Cha, Tiên Hưởng, Koi Thé, R&B… và một số tên tuổi nội địa như Phúc Long, Toco Toco, BoBaPop,…

Trasua__1

Hàng chục quán trà sữa mọc sát nhau trên đường Ngô Đức Kế quận 1, TP HCM. (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).

Dễ nhận ra, các tuyến đường từng là "đường cà phê", bỗng đổi hẳn thành "đường trà sữa". Khu Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (quận 1, TP HCM) tập trung nhiều nhân viên văn phòng, nơi đây từng là tụ điểm của các quán cà phê, giờ nhường sân cho hàng loạt các tên tuổi trà sữa như Gongcha, Koi Thé, Phúc Long, Toco Toco, Royal Tea,…

Bao quanh bởi nhiều trường đại học, đường Nguyễn Gia Trí (D2) quận Bình Thạnh trước đây vốn quy tụ hàng loạt quán cà phê giờ thành cứ điểm của nhiều tên tuổi trà sữa. Quanh đoạn ngã tư giao với Võ Oanh, đã có gần 10 thương hiệu trà sữa có tiếng như Too Cha, Toco Toco, Hot&Cold, BoBaPop… mọc nối đuôi nhau. Chưa kể, nhiều hàng quán trà sữa nhỏ lẻ, vỉa hè cũng chen chân vào giữa khoảng trống giữa các quán nổi tiếng.

Ở Thủ Đức, đường Dân Chủ cũng là một "đường trà sữa". Từ Võ Văn Ngân vào, cách chưa đầy 50m là quán trà sữa Share Tea liền kề với Too Cha và Gong Cha. Cách 2 cửa hiệu, lại bắt gặp thêm Toco Toco và Moo Tea nối tiếp. Vào thêm 100 m, các quán trà sữa nhỏ lẻ cũng chen chúc theo. 

Trên con đường chưa tới 1 km đã có hơn 20 quán trà sữa mọc san sát nhau với hầu hết các thương hiệu lớn.

20191112_121758

Đường Dân Chủ (quận Thủ Đức, TP HCM) cũng là nơi tề tựu của nhiều tên tuổi trà sữa nổi tiếng. (Ảnh: Tất Đạt).

Đường trà sữa và cuộc chiến giảm giá 50%

Thế nhưng giờ đây, những băng rôn "giảm giá 50%", "mua 1 tặng 1", "đồng giá 19K"… dễ dàng bắt gặp trên "cung đường trà sữa" Dân Chủ. 

Là một "tín đồ" trà sữa, những ngày đầu các quán đua nhau khai trương, chị Ngọc Ái (22 tuổi) hăm hở thử nghiệm hầu hết các quán trên con đường này. Thế nhưng, giờ đây số lần chị uống trà sữa tại đây ít hẳn. 

"Chi tiêu 50.000-60.000 đồng cho một lần ăn uống mình không tiếc. Nhưng bỏ ra số tiền đó để uống những li trà sữa mà li nào cũng giống li nào, không quá khác biệt về mùi vị, mình cho rằng không đáng", chị giải thích. Vì thế, chị Ái tìm đến các hàng quán trà sữa bình dân, số tiền chi mỗi lần thấp gấp đôi mà trải nghiệm mang lại cũng không kém.

img1460-15634597796351719046482

Băng rôn giảm giá, khuyến mãi dễ bắt gặp tại các quán trà sữa. (Ảnh: Tất Đạt).

Ở tầm vĩ mô, một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) gần đây chỉ ra rằng thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc và dự đoán chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Con số này chỉ bằng 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm.

Thị trường đang chứng kiến cuộc giằng co của nhiều ông lớn bà nhỏ trước li trà sữa ngày càng vơi. Chia sẻ với truyền thông, người phát ngôn của thương hiệu trà sữa nổi tiếng Gong Cha, nhận định: "Cạnh tranh trên thị trường trà sữa trân châu ở Việt Nam là một cuộc đua marathon".

Vài năm về trước, hiện tượng xếp hàng dài nhân dịp khai trương các quán trà sữa nổi tiếng, rất phổ biến. Nhưng giờ đây, khó để bắt gặp được hình ảnh này. Trên đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM), tháng trước, một chi nhánh của Toco Toco khai trương, dù vẫn có chương trình giảm giá nhưng khách chỉ đứng đông trong quán. Đến nay, lượng khách ghé cửa hàng này cũng vắng vẻ.

20191112_124759

Các cửa hàng trà sữa luôn có khoảng rộng cho khách đỗ xe, nhưng giờ đây hầu hết quán nào cũng trống trải. (Ảnh: Tất Đạt).

Một số thương hiệu dường như cảm nhận được "sóng ngầm" đang diễn ra trên thị trường nên từ lâu tích cực đẩy mạnh các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Tiêu biểu là Toco Toco. Dễ dàng tìm thấy các chương trình khuyến mãi của hãng này trên nhiều nền tảng như JAMJA, Mee.Te, VinID, My Viettel… với mức ưu đãi lớn như giảm 50.000 đồng cho hóa đơn từ 100.000 đồng, giảm giá 50%….

Gần đây, Too Cha cũng là chuỗi mới gia nhập cuộc đua khuyến mãi. Trên fanpage, khách hàng dễ dàng có được các mã giảm giá khi tham gia các minigame đơn giản. Giống như Toco Toco, Too Cha cũng đẩy nhiều chương trình khuyến mãi trên các ứng dụng. Thương hiệu này còn tham gia hoàn tiền đến 45% trên ví điện tử Momo suốt thời gian qua.

E9B107AC-305F-4C06-B099-775DAA26DA6B

Nhiều thương hiệu trà sữa vừa khuyến mãi trực tiếp tại cửa hàng, vừa phối hợp cùng bên thứ 3 khuyến mãi thêm. (Ảnh: Tất Đạt).

Thường săn mã giảm giá để mua trà sữa, chị Ngọc Phượng (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho rằng mức giá sau khuyến mãi là hợp lí. Với mức giá này, chị sẽ ưu tiên mua ở các quán tên tuổi hơn là những nơi nhỏ lẻ. "Nhưng mình cũng lo lắng, không biết nguyên liệu đầu vào có đảm bảo không mà họ cứ tung khuyến mãi suốt", chị Phượng đặt nghi vấn.

Nỗi lo của chị Phượng là có căn cứ, năm 2016, Toco Toco từng bị Đội quản lí thị trường (QLTT) số 5, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ 2 tấn nguyên liệu làm chè không rõ nguồn gốc.

Năm ngoái, hai đội 1 và 6 Quản lí thị trường Hà Nội kiểm tra kho của Công ty TNHH Heekcaa VN ở quận Nam Từ Liêm đã phát hiện trên 220 túi trà loại 250gr, 630 gói bán thành phẩm chưa dán nhãn, 1.200 gói nguyên bao bì nhãn hiệu "cjwx" của nước ngoài.

Không chỉ các cửa hàng rộng lớn, trang trí sang trọng, giá thành không dưới 50.000 đồng mỗi li, đang đuối sức. Các hàng quán nhỏ lẻ cũng dần thấy hụt hơi.

Một quán trà sữa trên đường Hoàng Diệu 2 (quận Thủ Đức, TP HCM) đang treo biển sang mặt bằng. Nhân viên tại đây cho biết suốt 2-3 tháng qua, mỗi ngày quán đón được 20 lượt khách. Ngày đông nhất cũng chỉ là 40 lượt. Nhưng đó là khi tấm biển "mua 1 tặng 2" hay "giảm 30%" được treo lên.

"Lúc hè, quán có đến 5 bạn phục vụ. Nhưng từ khi khách không còn đông, chủ quán chỉ giữ lại một mình tôi làm chính và thêm một bạn làm thay ca", nhân viên tại đây cho biết.

20191112_123547

Dù nằm ngay ngã tư đông đúc, gần trường đại học nhưng quán trà sữa vẫn phải treo bảng sang mặt bằng. (Ảnh: Tất Đạt).

Nằm giữa ngã tư thông thương khá đông lượt xe, lại gần 2 trường đại học, nhân viên này vẫn khẳng định quán sẽ còn ế khách hơn nữa. Chỉ tay sang phía bên kia đường, chị giải thích: "Quán này nhỏ, khó cạnh tranh với thương hiệu có tiếng ở đối diện lắm. Chưa kể, đi qua ngã tư này, có cả chục quán trà sữa lớn nhỏ đều đủ".

Liên hệ số điện thoại treo trên bảng rao, phóng viên gặp được người tự xưng là chủ của quán trà sữa hiện hữu. Anh Hoàng cho biết quán đã mở gần 2 năm. "Lúc mới mở là lúc trà sữa đang hot, tôi cứ tưởng mình sắp hốt bạc vì chọn được mặt bằng 'ngon'. Đâu ngờ, mình thấy 'ngon' thì nhiều người cũng thấy", anh cho biết.

Gặn hỏi một lúc, anh Hoàng tâm tình việc đóng cửa là do không lo nổi tiền mặt bằng. Hợp đồng anh đang kí với chủ cũ còn đến hơn 1 năm. Theo đó, mỗi tháng anh Hoàng phải bỏ ra đến 24 triệu đồng để thuê được mặt bằng có diện tích 5x14m. Buôn bán ngày càng ế ẩm, anh khó cân đối được khoản chi phí này với doanh thu ngày càng chững lại.

Câu chuyện mặt bằng tại các quận trung tâm ngày càng khó. Theo thống kê của Savills, giá thuê một căn nhà ở các khu trà sữa như đường Nguyễn Huệ, đường Ngô Đức Kế, khu ngã 6 Phù Đổng, đường Phan Xích Long… dao động từ 6.000-20.000 USD/căn/tháng. Giá trên tùy thuộc vào vị trí cụ thể và diện tích thuê. Nhưng từ khi trà sữa bùng nổ, giá thuê tại các khu vực đắt địa đã tăng 50%, có chỗ tăng 100%. 

soya3

Phúc Long không gánh nổi giá thuê mặt bằng, lập tức Soya Garden nhảy vào thế chân. (Ảnh: Soya Garden).

Từng chia sẻ trước truyền thông, bà Trần Thị Thu Hà, Quản lí Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam, đánh giá nhu cầu mặt bằng đối với doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là ngành F&B hiện nay rất cao. Nhu cầu này ngày càng cô đặc vào các khu vực trung tâm, đông dân và có mặt tiền thu hút, bắt mắt.

"Các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống vẫn luôn tìm kiếm và hứng thú khi có một mặt bằng đẹp cho thương hiệu của họ. Đặc biệt là các thương hiệu mới đi vào thị trường, họ sẽ tích cực tìm kiếm mặt bằng và đồng ý trả mức giá cao cho mặt bằng ưng ý", bà Thu Hà nhìn nhận.