Hiệp hội taxi truyền thống: Lắp camera trên xe kinh doanh vận tải phải kết nối, liên thông

Các hiệp hội taxi truyền thống cho rằng nhiều qui định trong dự thảo quản xe kinh doanh vận tải do Bộ GTVT đưa ra không phù hợp.

IMG_3421

Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và kinh doanh vận tải bằng ô tô nhiều năm chưa thể ban hành. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Bỏ qui định quản lí an toàn là không phù hợp

Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 14/11, các Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.

Cụ thể, các hiệp hội taxi nêu trên cho rằng các qui định về quản lí an toàn là rất cần thiết.

"Việc Bộ GTVT tham mưu cắt bỏ các qui định về quản lí an toàn trong lĩnh vực vận tải là không phù hợp", các hiệp hội taxi nhận định.

Các hiệp hội taxi cho rằng giám sát ATGT của lái xe là một trong những hành động quan trọng và không thể do một mình cơ quan chức năng có thẩm quyền đảm nhiệm được với số lượng xe tham gia kinh doanh vận tải rất lớn như hiện nay.

"Do vậy, mỗi doanh nghiệp hay HTX, hộ cá thể kinh doanh vận tải đều cần có bộ phận theo dõi ATGT để theo dõi, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng vận tải cũng như chia sẻ gánh nặng quản lí an toàn của cơ quan chức năng.

Chúng ta không thể bỏ bớt qui định về bảo đảm an toàn giao thông và coi đó là "cởi trói cho doanh nghiệp", bởi vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện", các hiệp hội taxi cho biết.

Do đó, các đơn vị này đề xuất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên qui định tại khoản 5 Điều 11 của Dự thảo Nghị định: "Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lí, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo qui định".

Các hiệp hội lí giải rằng bộ phận theo dõi quản lí ATGT phải áp dụng với tất cả các loại hình vận tải và áp dụng với tất các chủ thể kinh doanh vận tải gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

"Nếu loại hình vận tải nào và chủ thể nào không phải có bộ phận theo dõi quản ATGT thì doanh nghiệp sẽ lách sang loại đó để bớt chi phí, gây nguy cơ mất ATGT. Điều này cũng lí giải vì sao các hộ kinh doanh vận tải cá thể không muốn chuyển sang doanh nghiệp", các hiệp hội taxi cho hay.

IMG_3447

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Lắp camera phải kết nối, liên thông dữ liệu

Tại dự thảo mới đây nhất, Bộ GTVT qui định: "Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả tài xế) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự li đến 500km; Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự li trên 500km".

Với qui định này, các hiệp hội taxi cho rằng Bộ GTVT tiếp thu chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, các đơn vị này lí giải việc quản lí hình ảnh ghi được từ camera cần "kết nối, chia sẻ, liên thông", quản lí trực tiếp bởi cơ quan nhà nước thay vì khi có yêu cầu mới đưa ra.

"Nếu chỉ lưu giữ ở doanh nghiệp thì qui định này chỉ mang tính chất quản lí nội bộ của doanh nghiệp, không đảm bảo sự liên kết giữa cơ quan quản lí nhà nước và doanh nghiệp", các hiệp hội đánh giá.

Các hiệp hội taxi trong nước cũng cho rằng cần qui định thêm về việc phải chuyển dữ liệu về cho cơ quan quản lí nhà nước mới thể hiện được vai trò quản lí, giám sát cùa nhà nước và mới có ý nghĩa.

Bởi dữ liệu chỉ lưu trữ trong vòng 3 ngày, nếu không chuyển về cơ quan quản lí nhà nước thì chỉ khi thanh tra mới phát hiện được sai phạm và thậm chí không thể phát hiện do doanh nghiệp có thể tác động vào phần mềm.

"Nếu doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc thì việc chuyền tải dữ liệu về Sở GTVT sẽ là sự kết hợp tốt giữa thanh tra Sở GTVT với đội ATGT của doanh nghiệp, giúp can thiệp kịp thời khi lái xe gặp sự cố và cũng để xử kịp thời với lái xe vi phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội có thể xảy ra.

Chúng tôi cho rằng qui định chuyển tải dữ liệu về cơ quan quản lí nhà nước sẽ không thể bị coi là sự can thiệp sâu của nhà nước vào hoạt động kinh doanh bởi sự giám sát đó chỉ giúp cho doanh nghiệp ngày hoàn thiện, nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn", các hiệp hội nhận định.

Vì vậy, các đơn vị này đề nghị Bộ GTVT cho thành lập Trung tâm quản dữ liệu giao thông độc lập.

Trung tâm này sẽ có chức năng tiếp nhận toàn bộ các dữ liệu giao thông trên toàn quốc truyền về, thực hiện phân tích, lưu trữ thông tin.

Dữ liệu sẽ sử dụng vào việc cung cấp cho các cơ quan có chức năng để xử lí vi phạm, quản lí thuế hoặc phục vụ cho việc điều hành giao thông thông minh.

"Chúng tôi kiến nghị sửa đổi qui định nêu trên là trước ngày 31 tháng 12 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau đây:

Lưu trữ và truyền dẫn hình ảnh gồm: lái xe, hành khách, thời gian lái xe liên tục; Thông tin hình ảnh từ thiết bị camera lắp trên xe được sử dụng trong quản lí nhà nước về hoạt động vận tải, là căn cứ để giám sát, xử lí các hành vi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, dữ liệu được kết nối chia sè với Bộ Công an, Bộ Tài chính để thực hiện quản lí nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông, thuế theo thẩm quyền.

Dữ liệu camera của các phương tiện được kết nối, lưu trữ tại máy chủ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lí.

Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kĩ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá hoặc làm sai lệch hình ảnh.

Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị camera để đảm bảo cung cấp được các thông tin qui định", Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đề xuất.

IMG_3450

Nghị định quản lí xe vận tải vẫn còn nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Cần quản lí mô hình kinh doanh mới

Đáng chú ý, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cũng cho rằng với taxi công nghệ, bản chất là kinh doanh vận tải thì không thể coi là kinh doanh công nghệ.

"Cùng một loại hình kinh doanh giống nhau mà điều kiện kinh doanh khác nhau sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như 120.000 lao động lái xe công nghệ sẽ không có BHXH, BHYT.

Không có tổ chức công đoàn nào bảo hộ khi hết tuổi lao động, khi đó sẽ tạo ra thành gánh nặng to lớn cho phúc lợi xã hội", Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cho hay.

Do đó, các đơn vị này kiến nghị cùng một loại hình kinh doanh, cùng một sản phẩm vận tải cung cấp cho người dân thì khung pháp lí cần qui định giống nhau về các điều kiện kinh doanh đảm bảo nguyên tắc công bằng.

"Hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường taxi. Các điều kiện kinh doanh khác cũng phải tương đồng khi bản chất cùng là một loại hình taxi.

Đồng thời cần kiểm soát được mô hình và nền tảng công nghệ mới một cách chặt chẽ.

Do vậy, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các qui định chặt chẽ để quản lí các mô hình kinh doanh mới, kịp thời ngăn chặn sớm các lỗ hổng pháp lí dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh", Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM kiến nghị.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.