Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) đã có những chia sẻ với chúng tôi xung quanh sự việc mới đây, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú và THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội). (Ảnh: Đình Tuệ). |
- Dưới góc độ một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cảm nhận của ông ra sao khi biết thông tin một hiệu trưởng bị bắt để điều tra về hành vi lạm dụng tình dục học sinh ở Phú Thọ?
Khi nắm bắt thông tin vụ việc qua báo chí, tôi thực sự cảm thấy rất sốc và buồn về câu chuyện này. Thật không thể tin nổi một vị hiệu trưởng đứng đầu một ngôi trường với mấy trăm em học sinh lại có thể có hành vi đồi bại và đáng lên án như vậy.
Theo lời kể của một số em học sinh được báo chí phản ánh, vụ việc này không chỉ mới xảy ra ngày một ngày hai mà đã diễn ra từ trong một thời gian dài trước đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại diễn ra đến tận bây giờ mà không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Trong môi trường giáo dục tuyệt đối không thể chấp nhận được hành vi đáng xấu hổ này.
- Nhiều người quan niệm rằng, trẻ em trai thường ít nguy cơ bị xâm hại hơn trẻ em gái. Ở câu chuyện này, quan điểm của ông ra sao?
Đấy thực sự là một tư tưởng sai lầm mà các bậc phụ huynh hay mắc phải. Thực tế, ở các trường nội trú, có môi trường khá biệt lập với bên ngoài hay bất cứ một cơ quan, tổ chức nào cũng đều có thể xảy ra tình trạng trẻ bị xâm hại hoặc bạo lực học sinh. Đặc biệt, xâm hại tình dục có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, nhiều đối tượng chứ không chỉ là một đối tượng duy nhất.
Việc cha mẹ coi nhẹ việc giáo dục giới tính và trang bị các kiến thức phòng chống xâm hại với trẻ em trai là rất đáng báo động. Theo nghiên cứu mới nhất, tỉ lệ trẻ em trai bị xâm hại tình dục chiếm tới 20% các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em bị cơ quan điều tra phát giác. Cho nên, dù là con trai hay con gái, các bậc cha mẹ cần phải tuyệt đối chú ý tới con mình, dạy trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước các nguy cơ về xâm hại.
Một khi các em học sinh đã bị xâm hại thì không chỉ bị tổn thương về thể chất, hơn nữa sẽ còn bị ảnh hưởng về tinh thần rất sâu sắc, đeo đẳng suốt cuộc đời các em nên chúng ta tuyệt đối phải chú ý, bảo vệ con.
- Vậy theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trẻ em bị xâm hại đang có diễn biến phức tạp như hiện nay?
Ông Đinh Bằng My trong một buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018 tại trường. Ảnh: Phòng GD&ĐT Thanh Sơn. |
Theo tôi có một số nguyên nhân chính có thể kể như sau:
Thứ nhất, giáo dục trong gia đình: Điều này rất quan trọng nhưng thời gian qua đang bị chúng ta xem nhẹ. Cha mẹ thiếu kiến thức, kĩ năng để truyền đạt kiến thức, bảo vệ con cái, phòng ngừa xâm hại, bạo lực. Cha mẹ cần dạy trẻ biết về giới tính, gọi tên từng bộ phận trên cơ thể của mình. Bộ phận nào trên cơ thể thì tuyệt đối không được cho ai động chạm đến, các biện pháp tự vệ ra sao...
Ví dụ, bộ phận sinh dục (cả nam và nữ) hay hậu môn là không được cho phép ai động chạm vào nếu trẻ không đồng ý, kể cả cha mẹ. Nếu ai cố tình động đến thì phải hét to lên để cầu cứu sự trợ giúp từ người lớn.
Thứ hai, giáo dục ở nhà trường: Việc trang bị kiến thức để bảo vệ trẻ em cho các giáo viên ở nhà trường nhiều nơi làm chưa tốt. Chúng ta vẫn đang nặng về truyền đạt kiến thức học thuật mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, kĩ năng để bảo vệ học sinh. Hơn nữa, thực tế học sinh vẫn có tư duy 'coi thầy cô giáo là nhất', bảo gì phải nghe nấy.
Do đó, những vụ việc như cô giáo bắt học sinh tát bạn tới 231 cái ở Quảng Bình cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành giáo dục về đạo đức nhà giáo. Trong xã hội hiện đại, trẻ em vẫn là trọng tâm và là đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ. Thầy cô giáo không phải là bậc tối thượng 'nói gì các em phải nghe, bắt làm gì các em phải làm'.
Thứ ba, vấn đề tuân thủ pháp luật của một bộ phận thầy cô giáo cũng chưa thực sự nghiêm túc. Lỗi một phần cũng là tuyên truyền về kiến thức pháp luật của ta rất kém. Dù có đủ văn bản luật, quy định rõ ràng về bảo vệ trẻ em được Nhà nước ban hành nhưng nhiều thầy cô, phụ huynh đều không nắm được hoặc biết mơ hồ về luật mà vô tình vi phạm pháp luật.
Ví dụ, việc đánh trẻ em là hành vi bị cấm. Trẻ em được bảo vệ thân thể, tinh thần không bị sỉ nhục, bạo hành... nhưng cha mẹ, thầy cô vẫn vi phạm. Chúng ta giám sát việc thực hiện luật trẻ em chưa tốt.
Thứ tư, công tác phòng ngừa còn lỏng lẻo: Những năm qua, công tác phòng ngừa, ngăn chặn giải quyết sớm những vấn đề không để xảy ra những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em rất kém.
Trong chương Bảo vệ trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 cũng nêu rõ, ưu tiên tập trung vào cấp độ phòng ngừa. Kiện toàn mạng lưới đội ngũ về hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, ưu tiên cấp độ phòng ngừa, ngăn chặn sớm.
Tuy nhiên, đội ngũ này là ai? Họ phải là cán bộ bảo vệ trẻ em cộng đồng, họ có lương của ngành lao động thương binh xã hội, cán bộ công tác xã hội về trẻ em được đào tạo bài bản. Ngoài ra, cần có các cộng tác viên ở cơ sở vì họ ở gần dân nhất. Hiện giờ chúng ta đang bỏ ngỏ đội ngũ này.
- Để giải quyết được các vấn đề như trên, ông có kiến nghị như thế nào để bảo vệ quyền trẻ em, tránh các sự vụ nghiêm trọng tương tự trong tương lai?
Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng hàng đầu là sớm kiện toàn đội ngũ mạng lưới cán bộ phòng ngừa theo đúng Luật Trẻ em năm 2016. Sau đó cần tuyên truyền rộng khắp cho các gia đình, các thầy cô giáo và giám sát về thực hiện pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, tôi thấy trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa được thể hiện rõ, nhất là qua vụ việc nghiêm trọng này tại Phú Thọ. Trưởng phòng giáo dục huyện tới giờ vẫn chưa lên tiếng. Hiệu trưởng đang bị tạm giam để điều tra, tôi thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần phải xem xét thật kĩ trách nhiệm của các giáo viên có liên quan nếu có.
Qua sự việc này, tôi mong muốn pháp luật sẽ phải xử lý thật nghiêm minh hành vi xâm hại trẻ em để đảm bảo tính răn đe chung.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bảo vệ con khỏi lạm dụng tình dục: Có một bộ phận chúng ta quên dạy trẻ là không ai được phép chạm vào
Trước nghi vấn hiệu trưởng lạm dụng tình dục hàng chục học sinh nam, bài học về bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục ... |
Vị hiệu trưởng lạm dụng tình dục học sinh từng phát biểu trước trường về phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018
Tại chương trình “ Ngoại khóa phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018” hồi tháng 5/2018 được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc ... |
'Người thứ ba' lên tiếng phủ nhận nhiều lần gọi học sinh lên cho hiệu trưởng dâm ô
Trao đổi với PV, cô Ng., giáo viên bị em học sinh từng là nạn nhân của thầy My cho rằng đã đưa em lên ... |
Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lí nghiêm hiệu trưởng bị tố lạm dụng tình dục hàng loạt nam sinh
Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Phú Thọ báo cáo vụ việc hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn lạm ... |