Tại hội thảo "Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 26/4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia giáo dục và thầy cô giáo đã nêu ra những ý kiến chia sẻ tâm huyết để tìm lời giải cho bài toán liên quan đến tuyển sinh.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Khang thẳng thắn cho biết, mình sẵn sàng bị Sở kỉ luật vì lợi ích của phụ huynh và học sinh khi tuyển sinh vào trường tư. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Qua 30 năm, trường tư của Việt Nam đã hình thành hệ thống từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học - cao đẳng, tập trung ở các đô thị, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Các loại trường tư cũng đa dạng hơn gồm trường thuần Việt, trường song ngữ, trường song bằng, trường quốc tế... Nhưng hệ thống trường tư còn thiếu về số lượng, còn yếu về chất lượng.
Nếu chính sách khuyến khích xã hội hoá của Chính phủ tốt hơn nữa, các địa phương có tầm nhìn chiến lược phát triển giáo dục nói chung, phát triển trường tư nói riêng thì 10 đến 20 năm nữa hệ thống trường tư của Việt Nam sẽ xứng đáng với kỳ vọng của Nhà nước và của dân!
"Trường tư có hai khó khăn và cũng là hai thách thức lớ nhất đó là cơ sở vật chất và tuyển sinh. Xây dựng được cơ sở vật chất ổn định, tuyển được học sinh đạt chỉ tiêu chắc chắn trường tư sẽ phát triển.
Tuy nhiên, trường tư có nhiều thuận lợi hơn trường công ở tính năng động và sáng tạo vì họ phải tìm cách để tồn tại để tránh cho được những tiêu cực mà trường công thường mắc. Phải biết người học cần gì, phải tạo nên sự khác biệt tích cực. Phải làm dân hài lòng khi họ móc hầu bao đầu tư cho con, thuận tiện trong việc đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục...", ông Khang nói.
Cũng theo lãnh đạo Trường Marie Curie (Hà Nội), từ năm 2015 - 2017 Sở GD&ĐT Hà Nội lại cấm thi tuyển vào lớp 6. Các sở GD&ĐT ở tỉnh thành khác đều dành quyền tự chủ tuyển sinh cho trường tư. Còn ở TP Hà Nội, về phương thức tuyển sinh lớp 6 cơ bản theo Bộ GD&ĐT nhưng phải "làm đề án, lập tờ trình" xin UBND quận/huyện phê duyệt. Về thời gian tuyển sinh phải theo quy định cụ thể ngày/tháng/năm của thành phố.
Trường tư phải tự bươn chải rất nhiều khâu: Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên... Để tồn tại và phát triển nhất thiết phải đảm bảo hai điều kiện về cơ sở vật chất và tuyển sinh. Do đó, về việc tuyển sinh của trường tư cần được tự chủ về phương thức và thời gian.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng 26/4. Ảnh: Đình Tuệ. |
"TP Hà Nội đã yêu cầu các trường tư thục phải chốt tuyển sinh lớp 6 năm 2018 vào ngày 30/6. Nhưng hầu hết các trường tư thục đều đề nghị Sở cho giãn thời gian tuyển sinh chứ không nên gò bó. Nếu giãn thời gian tuyển sinh không chỉ tạo điều kiện cho nhà trường mà cho cả học trò.
Sở GD&ĐT Hà Nội trong thời gian qua cũng đã có sự lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các trường tư thục để có một số điều chỉnh tích cực. Nhiều năm nay, các trường tư có đề nghị Sở bỏ giấy chứng nhận vào lớp 10 và Hà Nội cũng đã bỏ giấy chứng nhận vào lớp 10. Đây là một bước tháo gỡ quan trọng để quyền được học tập của trẻ em không còn những rào cản", ông Khang nói.
Tuy nhiên Sở vẫn áp đặt về thời gian nên chính học sinh và cha mẹ học sinh muốn con mình học trường tư gặp nhiều khó khăn. Vì tuyển sinh đồng loạt, cha mẹ học sinh không thể biết con mình có được vào các trường tư có thương hiệu và hồ sơ đăng ký đông gấp mấy lần chỉ tiêu, hay không.
Nếu các trường tư được tự chủ tuyển sinh, cha mẹ học sinh sẽ có nhiều phương án nếu không đủ điều kiện vào các trường tư hàng đầu. Đó chính là quyền học tập của trẻ em.
Ông Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh: “Vì quyền lợi cao nhất của học sinh và các phụ huynh, chúng tôi sẵn sàng chịu sự kỉ luật của Sở GD&ĐT. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh học sinh vào lớp 1".
![]() |
15 tiêu chí chọn lớp đầu cấp cho con phụ huynh nên biết
Trước việc nhiều phụ huynh lo lắng không biết nên chọn lớp đầu cấp cho con như thế nào, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT ... |