Highlands Coffee 'buông' đất vàng thuê tại Nhà hát Lớn

Sau nhiều năm toạ lạc tại vị trí đắc địa nhất Thủ đô, Highlands Coffee đã hết hợp đồng với Nhà hát Lớn để thuê địa điểm bán cà phê. Thay thế Highlands Coffee là một thương hiệu cà phê khác.

“Highlands Coffee Nhà hát Lớn, bình thường lên phố thỉnh thoảng vẫn rẽ vào ngồi. Mấy tháng nay không ghé, chỗ này đổi chủ rồi à cả nhà?”, Thanh Thuỷ, một người kinh doanh trong lĩnh vực F&B tại Hà Nội, chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội tối 15/2.

Thuỷ cho biết quán cà phê trong sân nội khu Nhà hát Lớn Hà Nội trước kia thuộc Highlands Coffee nhưng nay tất cả logo của thương hiệu này đều đã biến mất. Phục vụ cũng không mặc đồng phục, dù menu hay bàn ghế vẫn giữ nguyên.

Ngoài ra, đồ uống được mặc định đồng giá 99.000 đồng tặng kèm một vé xem ca nhạc miễn phí.

“Cảm giác như vào nhầm quán”, Thuỷ chia sẻ.

Thuỷ không phải là khách hàng duy nhất phản ánh về quán cà phê “lạ” tại Nhà hát Lớn. Trong những ngày đầu năm, trên mạng xã hội nhiều thực khách du xuân ngạc nhiên khi thấy địa điểm quen thuộc của Highlands Coffee bỗng dưng đổi chủ.

Theo tìm hiểu, trên website Highlands Coffee vẫn giới thiệu Nhà hát Lớn là một trong gần 800 địa điểm đặt quán cà phê của hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên trong danh sách cập nhật mới nhất được hãng này công bố trên mạng xã hội, cái tên Nhà hát Lớn đã không còn xuất hiện.

Đồ uống không logo nhưng có cốc tương tự Highlands Coffee tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Thanh Thuỷ/Facebook).

Xác nhận với Znews, ông Chu Anh Hùng, Phó giám đốc Nhà Hát Lớn Hà Nội, cho biết thương hiệu cà phê Highlands Coffee trước đây thuộc khuôn viên nhà hát đã không còn hợp đồng với đơn vị.

Hiện khuôn viên này được sử dụng làm không gian phục vụ âm nhạc cho khán giả, đặt tên Music Garden.

Ông Hùng nói với Znews rằng không gian này bắt đầu hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bán vé âm nhạc trị giá 99.000 đồng/người. Khi mua vé thưởng thức âm nhạc, khách được tặng kèm đồ uống bất kỳ trong menu, đồng thời miễn phí check-in các tiểu cảnh trong khuôn viên.

Highlands Nhà hát Lớn Hà Nội từng là một địa chỉ quen thuộc với những khách hàng của chuỗi cà phê này. Không chỉ Nhà hát Lớn, dường như việc đặt quán cà phê bên trong các di tích, điểm du lịch vốn là chiến lược từ xưa đến nay được Highlands Coffee sử dụng để quảng bá thương hiệu.

Có thể dễ dàng bắt gặp logo nâu đỏ của Highlands Coffee tại những địa điểm tiêu biểu như Cột cờ Hà Nội, Dinh Độc Lập, Kinh thành Huế, phố cổ Hội An,… Đây đều là những nơi thu hút lượng khách du lịch lớn của Việt Nam.

Hiện không rõ số tiền Highlands Coffee chi ra để thuê được những địa điểm này, nhưng ước tính con số sẽ rất lớn. Chẳng hạn, với địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội - nằm tại khu vực trung tâm của quận Hoàn Kiếm, là nơi có giá thuê mặt bằng bán lẻ thuộc top đắt đỏ nhất thế giới.

Highlands Coffee tại Hàm cá mập, cạnh hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Đức Huy).

Nhà hát Lớn Hà Nội nằm giữa giao lộ Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông. Cushman & Wakefield xếp hạng Tràng Tiền là tuyến phố có giá thuê bằng bán lẻ thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, đồng thời đứng thứ 17 trong danh sách 51 tuyến phố có giá thuê mặt bằng bán lẻ cao nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2022 – 2023.

Theo công bố, giá thuê mặt bằng phố Tràng Tiền đắt thứ hai tại Việt Nam hiện nay với giá khoảng 334 USD/feet vuông/năm (tức gần 300 USD/m2/tháng). Đứng thứ nhất là đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM).

Năm ngoái, giá thuê mặt bằng tại phố Tràng Tiền tăng 20% so với cùng kỳ và 50% so với thời điểm trước dịch bệnh.

Không chỉ đặt tại tuyến phố có giá thuê đắt đỏ bậc nhất thế giới, nhiều năm qua, Highlands Coffee còn toạ lạc tại khuôn viên Nhà hát Lớn - một địa điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến với Hà Nội và cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá tầm cỡ.

Năm 2016, tờ Nhân dân cho biết Nhà hát thu cao nhất lên tới 60 triệu đồng mỗi đêm/buỗi diễn đối với các chương trình có yếu tố nước ngoài. Trung bình giá thuê là 40 triệu đồng/đêm.

Như vậy, giá thuê khuôn viên Nhà hát của Highlands Coffee để làm mặt bằng bán lẻ chắc chắn sẽ không phải là một con số ít.

Chi phí mặt bằng vốn là gánh nặng cho các cửa hàng kinh doanh F&B. Theo Bộ Công Thương, chi phí mặt bằng thường chiếm 15% - 30% doanh thu bán hàng của các chuỗi F&B.

Bỏ số tiền lớn cho chi phí mặt bằng, song trong năm qua ngành F&B nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, lượng khách sụt giảm.

Bảo cáo ra hồi tháng 6/2023 của iPos.vn chỉ ra rằng có hơn 40,1% doanh nghiệp F&B ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm. Trong khi các doanh nghiệp F&B lớn (có từ 150 chỗ ngồi trở lên) có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất với 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm.

Riêng với chuỗi đồ uống, Highlands Coffee đang gặp phải cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Phúc Long được hậu thuẫn bởi Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Năm 2022, báo cáo Q&me cho hay doanh thu trên mỗi cửa hàng Phúc Long trung bình ngày cao gấp đôi so với Highlands Coffee.

Bên cạnh đó, Phúc Long cũng tự tin khẳng định dựa trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship của họ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35% - cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.

 

Năm 2022, Reuters đưa tin chủ sở hữu Highlands Coffee là Jollibee đang cân nhắc bán bớt cổ phần tại chuỗi cà phê. Nếu thương vụ diễn ra thành công, định giá chuỗi Highlands Coffee có thể đạt mức 800 triệu USD.

Năm 2011, Jollibee thông qua công ty con là JSF đã chi 25 triệu USD mua lại 49% cổ phần của Việt Thái và 60% bộ phận kinh doanh tại Hong Kong của Tập đoàn Việt Thái Quốc tế. Các nguồn tin cho biết việc bán cổ phần, nếu thành công, cuối cùng có thể mở đường cho việc IPO của Highlands Coffee, một động thái mà Jollibee đã cân nhắc từ nhiều năm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.