Sao khổng lồ đỏ Pi1 Grus trong quá trình tàn lụi. Ảnh: ESA. |
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) lần đầu tiên sử dụng Kính viễn vọng siêu lớn (VTL) ở Chile để ghi lại hình ảnh sao khổng lồ đỏ Pi1 Grus trong giai đoạn cuối trước khi tàn lụi, Mirror hôm 22/12 đưa tin. Đây là viễn cảnh sẽ xảy ra với Mặt Trời sau khoảng 5 tỷ năm nữa.
Sao Pi1 Grus nằm trong chòm sao Grus, cách Trái Đất khoảng 530 năm ánh sáng. Ngôi sao này có khối lượng tương đương Mặt Trời nhưng lớn gấp 350 lần và sáng hơn rất nhiều.
Theo các nhà thiên văn, Pi1 Grus đang "sủi bọt" do hiện tượng khối đối lưu, xảy ra khi có sự chênh lệch mật độ bên trong một vật thể lỏng hoặc khí. Mỗi khối này có đường kính khoảng 120 triệu km, xấp xỉ 1/4 đường kính ngôi sao.
Ban đầu, Pi1 Grus sẽ co lại và nóng tới hơn 100 triệu độ C do đốt cháy năng lượng hydro còn lại. Nhiệt độ cực cao thúc đẩy giai đoạn tiếp theo, khi ngôi sao bắt đầu tổng hợp heli thành những nguyên tử nặng hơn như carbon và oxy. Lõi sao siêu nóng sau đó sẽ đẩy các lớp phía ngoài của ngôi sao ra, khiến nó phình lên gấp hàng trăm lần kích thước ban đầu.
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn ghi lại được hình ảnh chi tiết về hiệu ứng sủi bọt diễn ra trên một sao khổng lồ đỏ. Ngôi sao sẽ tiếp tục phình to cho đến khi trở thành tinh vân hành tinh.