'Sát nhân thầm lặng' ám ảnh người bạch tạng châu Phi

Ngoài nguy cơ bị sát hại để lấy các phần cơ thể làm thuốc, người bạch tạng châu Phi còn đối diện kẻ sát nhân âm thầm là ánh Mặt Trời gay gắt.
 
ke sat nhan tham lang cua nguoi bach tang chau phi
Sixmond Medka, nam ca sĩ nổi tiếng ở Tanzania là một bệnh nhân bạch tạng. Ước tính 90% người bạch tạng châu Phi không sống quá 40 tuổi, nguyên nhân hàng đầu là ung thư da. Ảnh: Ross Velton

Trên sân khấu, Sixmond Mdeka lấy nghệ danh Ras Six. Dù vậy, nam ca sĩ thành công ở Tanzania thường được nhắc đến với biệt danh "Người đàn ông trắng" do mắc bệnh bạch tạng.

Hội chứng rối loạn di truyền khiến da, tóc và mắt của Mdeka thiếu sắc tố melanin, thành tố quan trọng tạo màu sắc da và bảo vệ làn da trước những tổn thương do tia cực tím gây ra.

Ở Tanzania, những bệnh nhân bạch tạng như Mdeka là đối tượng bị các bác sĩ phù thuỷ săn lùng ráo riết. Họ thường bị các sát thủ làm thuê bắt cóc, sát hại rồi lấy các bộ phận cơ thể để bào chế thành thuốc. Loại thuốc này được cho là đem tới vận may và sự giàu có. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (UN), khoảng 80 người bạch tạng ở Tanzania bị sát hại kể từ năm 2000.

Tuy nhiên, những vụ tấn công ghê rợn này không phải mối đe doạ lớn nhất với người bạch tạng ở châu Phi. Ánh nắng Mặt Trời gay gắt là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong. Các nạn nhân gọi đó là "kẻ giết người thầm lặng".

"Không có melanin đồng nghĩa với da không được bảo vệ trước tác động của tia UV. Người bạch tạng đối diện với mối nguy hiểm đó vào mọi lúc, không chỉ là lúc ở biển. Càng gần xích đạo, cường độ ánh sáng Mặt Trời càng tăng, tức là nguy cơ ung thư càng lớn", tiến sĩ Marc Glashoger, Viện Nghiên cứu Da liễu Mỹ, giải thích.

BBC cho hay, 90% người bạch tạng châu Phi không sống được quá 40 năm. Mdeka cũng dần bước vào tuổi tứ tuần, sự sống với anh cũng đang đếm ngược mỗi ngày. Tháng 9 năm ngoái, nam ca sĩ phẫu thuật để loại bỏ khối u sắc tố gần mắt trái. "Mặt Trời là kẻ thù số một của chúng tôi", Mdeka nói.

Cuộc chiến chống nắng gian nan

ke sat nhan tham lang cua nguoi bach tang chau phi
Đa phần người bệnh bạch tạng và gia đình ở châu Phi không ý thức được tầm quan trọng của việc chống nắng. Ảnh: Getty

Dưới chân nóc nhà châu Phi, núi Kilimanjaro, cuộc chiến bảo vệ người bạch tạng châu Phi đã bắt đầu.

Theo Mafalda Soto Valdes, dược sĩ người Tây Ban Nha phối hợp phát triển sản phẩm cùng Trung tâm đào tạo nghiên cứu da liễu vùng Tanzania, năm ngoái cơ sở chuyên sản xuất kem chống nắng Kilimanjaro Sunscreen Production sản xuất được 15.000 hộp kem chống nắng Kilisun. Kilisun là sản phẩm chống nắng chế tạo đặc biệt cho người bạch tạng. Tuy nhiên, quá trình đưa sản phẩm tới đúng đối tượng và khuyến khích họ sử dụng là một thử thách lớn với cơ sở này.

Xoa kem lên tay, nữ dược sĩ Soto Valdes mô tả lớp bảo vệ dày hơn, chống nước và nhiệt tốt hơn thông thường của Kilisun. Valdes cho hay, Kilisun có chỉ số SPF 30+, người bạch tạng cần thoa hai miligram/inch vuông da (1 inch vuông tương đương 6,5 cm2), đều đặn hai lần một ngày. Kilisun sẽ để lại một vệt dài trắng mà không hoà với màu da như loại thông thường.

"Người châu Phi có tâm lý muốn nhìn thấy và cảm nhận được sản phẩm họ đang dùng", Andrew Birnie, chuyên gia da liễu ở Bệnh viện East Kent (Anh) lý giải cho đặc tính này của sản phẩm.

Tuy nhiên, sử dụng kem chống nắng theo đúng khuyến nghị là điều bất khả đối với hầu hết người dân châu Phi. "Ở Tanzania, 80% dân số có thu nhập chưa tới 1,5 USD/ngày. Chi phí cho kem chống nắng bình thường dùng khoảng hai tháng là 10-15 USD. Song loại đặc biệt dành cho người bạch tạng có giá tới 20 USD", Valdes nói.

Hầu hết kem chống nắng ở châu Phi hiện nay đều có nguồn gốc nhập khẩu hoặc được ủng hộ. Màu da đen sậm, ít cháy nắng khiến đa phần người châu Phi không có nhu cầu chống nắng. Dù vậy, ngành công nghiệp kem chống nắng ở Tanzania đang phát triển nhanh để bảo vệ những người bạch tạng.

Ước tính cứ 1.400 người Tanzania lại có một người mắc bệnh. Tại các phần khác ở châu Phi tỷ lệ này chỉ ở mức 1/5.000-15.000 người; đối với châu Âu và Bắc Mỹ, bạch tạng chỉ ảnh hưởng 1/17.000 hoặc 1/20.000 người.

Lần đầu tiên được đưa ra thị trường, Kilisun được sử dụng để giúp 25 trẻ em bạch tạng. Hiện sản phẩm cấp phát miễn phí cho 2.800 người tại các cơ sở y tế 4 tháng một lần. Trong đó, hơn nửa số người nhận hỗ trợ là trẻ em.

Trải qua tuổi thơ khắc nghiệt, Mdeka khẳng định ung thư da bắt đầu ngay khi anh còn bé. Mdeka bị gia đình ruồng bỏ, phải sống lang thang trên đường phố vì làn da trắng của anh bị xem là lời nguyền rủa.

"Tôi thường đi quanh thị trấn mà không có quần áo bảo vệ nào. Tôi đã bị bỏng nắng khắp nơi", anh nhớ lại. Mdeka sau đó phải phẫu thuật lấy khối u sắc tố ở tai tại Bệnh viện đa khoa Klimanjaro, Moshi.

Nâng cao nhận thức

ke sat nhan tham lang cua nguoi bach tang chau phi
Người bạch tạng châu Phi thường bị các bác sĩ phù thuỷ bắt cóc và sát hại để lấy các phần cơ thể làm thuốc do niềm tin dị đoan. Ảnh: Getty

Theo Peter Ash, người bạch tạng Canada sáng lập tổ chức từ thiện Under the Same Sun giúp gây quỹ cho công ty Kilisun, ở châu Phi, trẻ mắc bạch tạng và cha mẹ thường không hiểu tầm quan trọng của việc đội mũ, đeo kính râm, mặc áo dài tay và thoa kem chống nắng.

"Chúng tôi đã gặp vài trường hợp cha mẹ đưa trẻ ra phơi nắng với hy vọng nhuộm đen da đứa bé như người thường. Khi các em bị bỏng nắng và các đốm tối màu xuất hiện, họ nghĩ mình thành công, dù thực chất đó là biểu hiện ung thư da", Ash lo ngại.

Nhóm của Kilisun đang cố gắng giải quyết điều này bằng cách đầu tư thời gian và tài chính để nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hại của ánh nắng Mặt Trời. Các nhân viên y tế và giáo viên bản địa cũng được tham gia đào tạo kiến thức về nguy cơ ung thư da cùng các phương pháp phòng tránh tốt nhất.

Bên cạnh đó, tài chính cũng là một trong những thử thách lớn nhất hiện nay. Hiện tại, Kilisun hoạt động bằng nguồn quyên góp từ các công ty lớn và tổ chức phi chính chủ trên thế giới để tiếp tục cung cấp kem chống nắng cho người cần sử dụng. Chính phủ Tanzania hỗ trợ tổ chức này bằng nhân lực.

Các hoạt động của Kilisun là một phần trong chuỗi các hoạt động góp phần gia tăng nhận thức về sự nguy hiểm của Mặt Trời với người bạch tạng trong những năm gần đây ở châu Phi.

Năm 2015, chính phủ Kenya chi 1,5 triệu USD để cung cấp các sản phẩm chống nắng miễn phí cho hơn 3.000 người bạch tạng. Đầu năm ngoái, một công ty có trụ sở tại Senegal cũng sản xuất 5.000 chai mẫu một loại kem chống nắng mới.

Tuy nhiên sản xuất đủ sản phẩm và phân phối cho mọi người không phải là những khó khăn duy nhất. Thậm chí khi kem chống nắng phổ biến khắp châu Phi với mức giá phải chăng, một số người vẫn không muốn sử dụng.

Ismaili Ally, 22 tuổi, sống tại Dar es Salaam, Tanzania, là một trong số này. Nam thanh niên vẫn có thói quen tới các thầy lang chữa bệnh và tin rằng dầu cùng thuốc mỡ từ cây cỏ là liều thuốc tốt nhất để chữa ung thư da.

"Thật trớ trêu khi người bạch tạng bị các bác sĩ phù thuỷ truy lùng và sát hại lại tìm tới chính các bác sĩ này để chữa bệnh", Vicky Ntetema, người quản lý quỹ Under the same Sun tại Tanzania cho hay.

Ally thì cho biết anh thường xuyên sử dụng chúng khi bị tổn thương da do ánh nắng Mặt Trời. "Loại thuốc này tốt lắm, các nốt phát ban và vết thương khô đi chỉ trong một tuần", Ally nói.

Tuy nhiên, dược sĩ Soto Valdes khẳng định phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Valdes tin tưởng Kilisun sẽ tới được mọi nơi trên đất nước Tanzania nhờ sự chung tay của chính phủ.

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.