Đừng băn khoăn. Điều này xảy ra với mọi máy tính và với cả chiếc điện thoại Android của chúng ta. Tin vui là có một vài điều đơn giản chúng ta có thể làm để chiếc điện thoại của chúng ta trở nên "tuyệt vời" lần nữa. Dưới đây là những lời khuyên đến từ trang công nghệ AndroidCentral, chỉ ra 5 điều chúng ta có thể làm để khắc phục tình trạng chậm chạp của một chiếc điện thoại Android.
Lưu ý: Bài viết được cập nhật mới nhất để các hướng dẫn bên dưới có thể làm việc với hệ thống Andoid mới nhất, những chiếc điện thoại mới nhất chạy Android.
Chúng ta thường tải các ứng dụng về dùng thử, dùng được một vài lần rồi quên luôn không dùng đến nữa. Các ứng dụng này vẫn chưa bị gỡ bỏ sẽ chiếm tài nguyên hệ thống và bộ nhớ RAM nếu chúng là các dịch vụ chạy nền và chiếm không gian lưu trữ. Vì vậy, những ứng dụng nào chúng ta không dùng nữa. Chúng ta nên xóa chúng đi.
Để xóa các ứng dụng bạn đã tải về, hãy truy cập vào phần quản lý của thiết bị, tìm phần "Quản lý ứng dụng" (Apps Manager). Nếu bạn không tìm thấy - do một số nhà sản xuất lại tùy biến phần này nằm ở một chỗ khác trên hệ thống (Samsung rất hay tùy biến phần này) - chúng ta có thể hỏi bạn bè hoặc tìm kiếm trên mạng cách truy cập vào phần này.
Sau khi mở ra phần quản lý ứng dụng, chúng ta sẽ thấy danh sách các ứng dụng được cài đặt lên điện thoại của mình với nhiều tùy chọn khác nhau. Khi chúng ta tìm thấy một ứng dụng mà chúng ta không cần dùng tới nữa, hãy chạm vào ứng dụng để mở ra màn hình xem thông tin chung của ứng dụng này. Ở bên trên sẽ có nút Uninstall (Gỡ cài đặt). Chạm vào nút này để xóa bỏ ứng dụng ra khỏi điện thoại.
Chúng ta hoàn toàn có thể tải các ứng dụng đó lần nữa (và nhiều lần sau nữa) nếu chúng t cần tới nó, và cả những ứng dụng chúng ta đã trả tiền cũng vậy. Nhưng việc để chúng trên hệ thống sẽ chiếm tài nguyên hệ thống và xóa chúng đi sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn, khi chiếc điện thoại chỉ chạy những ứng dụng chúng ta thật sự cần.
Sau một thời gian dài sử dụng, chắc chắn là có cả tấn "rác" sinh ra trong bộ nhớ điện thoại. Ví dụ như khi chụp ảnh, chúng ta thường hay chụp "thêm" khá nhiều ảnh cho một lần tạo dáng, và những bức ảnh không cần thiết - trừ tấm ảnh mà ta ưng ý - vẫn còn đó. Hoặc những ảnh chụp màn hình mà chúng ta chia sẻ cho bạn bè cũng vẫn còn nằm trên máy. Thêm vào đó, những dữ liệu mà chúng ta đã tải về trong thư mục Tải về (Downloads) có lẽ là không ít.
Dọn dẹp những dữ liệu này khá dễ dàng. Chúng ta cần truy cập vào ứng dụng Bộ sưu tập (Gallery) và chọn những tấm ảnh mà chúng ta không dùng đến và xóa chúng đi. Làm tương tự đối với cả những video mà chúng ta đã quay được. Hãy xóa đi những video mà chúng ta đã quay hỏng để lấy lại dung lượng. Làm cách này, có thể tốn một chút thời gian, vì chúng ta sẽ phải duyệt qua từng bức ảnh hay từng đoạn video, nhưng bù lại, chúng ta sẽ không bao giờ bị sót, và chỉ những hình ảnh, video nào thật sự cần mới được lưu giữ lại. Bạn cũng có thể tải hết ảnh về máy tính để lưu trữ, trên điện thoại chỉ giữ những ảnh bạn muốn xem.
Tiếp theo hãy truy cập vào thư mục Tải về (Downloads) từ danh sách các ứng dụng, có lẽ là sẽ có rất nhiều thứ, từ video, âm thanh, dữ liệu hay hình ảnh… mà đã lâu rồi chúng ta không dùng đến. Nếu chúng ta không dùng đến nữa, chẳng có lý do gì để chúng ở đây có phải không? Một lần nữa, hãy duyệt qua tất cả các dữ liệu này, xóa đi từng dữ liệu mà bạn không cần hoặc tất cả để lấy lại dung lượng lưu trữ cho điện thoại.
Cuối cùng, mở ra trang quản lý lưu trữ trong phần Cài đặt (Settings) của điện thoại, sau đó duyệt qua các tùy chọn hệ thống, tìm đến phần các Mục khác (hay Misc. hay Other). Chạm vào nó để mở nó lên, chúng ta sẽ thấy một danh sách các tập tin dữ liệu linh tinh mà các ứng dụng đã tạo ra trên điện thoại, chúng ta có thể xóa các tập tin này ở đây. Trong trường hợp chúng ta không biết rõ những tập tin này để làm gì, thì hãy để chúng ở đó.
Nếu chúng ta "root" máy (can thiệp vào hệ thống) thì hãy xem qua những dữ liệu đã được sao lưu trước đó và nếu nội dung nào không cần nữa, hãy xóa chúng đi. Những dữ liệu này có thể chiếm dung lượng rất lớn.
Dữ liệu "cache" (lưu tạm) thường do các ứng dụng tạo ra khi chúng ta mở chúng, thường những dữ liệu này là tốt, chúng ta nên để im chúng trên hệ thống trừ phi là chúng ta cảm thấy có vấn đề và lúc này cần phải xóa chúng đi. Ví dụ như các hình thu nhỏ của các bài đăng trên ứng dụng VnReview được lưu tạm (cache) trên điện thoại, để mỗi khi chúng ta mở lại ứng dụng, ứng dụng sẽ không phải tải lại các hình ảnh này nữa. Một ứng dụng được thiết kế và viết mã tốt sẽ biết khi nào xóa đi các dữ liệu tạm này và tải lại dữ liệu mới. Nhưng cái gì cũng vậy, có mặt tốt và có mặt hạn chế.
Những ứng dụng mà chúng ta ít khi sử dụng sẽ có các dữ liệu tạm không những chiếm dung lượng trên điện thoại mà chúng còn lỗi thời, do đó cần phải được xóa đi và tải lại. Thỉnh thoảng, dữ liệu cache bị lỗi và làm cho ứng dụng không hoạt động, nhất là các ứng dụng lỗi thời, đã lâu không dùng. Chúng ta có thể xóa dữ liệu tạm của mỗi ứng dụng trong trang thông tin chung của ứng dụng (là nơi chúng ta có thể xóa đi ứng dụng này ra khỏi điện thoại trong phần 1 ở trên) nhưng nếu chúng ta muốn làm mới tất cả mọi thứ thì chúng ta cần xóa tất cả dữ liệu cache cùng một lúc.
Làm điều này rất dễ!
Mở phần cài đặt (Settings) trên điện thoại Android của chúng ta, sau đó vào phần quản lý lưu trữ (Storage). Cuộn xuống và tìm đến phần Dữ liệu tạm (Cached) và chạm vào nó. Chúng ta sẽ thấy có một hộp thoại hiện lên cho chúng ta biết là chúng ta sẽ xóa tất cả dữ liệu cache trên điện thoại. Chạm vào mục Yes để tiến hành xóa tất cả dữ liệu cache của các ứng dụng trên điện thoại. Đừng lo lắng! Tất cả những nội dung cần thiết sẽ được tải lại khi chúng ta mở lại ứng dụng.
Không phải điện thoại Android nào cũng có hỗ trợ thẻ nhớ. Nhưng nếu hiện chúng ta dùng một thẻ nhớ tốc độ thấp và chứa "tùm lum" dữ liệu thì có thể làm cho chiếc điện thoại Android của chúng ta trở nên chậm chạp. Chúng ta có thể chép hết dữ liệu thẻ nhớ ra ngoài, định dạng lại thẻ nhớ để nó sạch và sẵn sàng, sau đó chép lại những dữ liệu cần thiết vào thẻ nhớ. Dễ dàng nhất là chúng ta thực hiện điều này trên chiếc máy tính.
Lưu ý quan trọng: Chúng ta có thể mất hết tất cả mọi thứ từ các thông tin lưu trữ của các ứng dụng hay dữ liệu của trò chơi hay nhiều thông tin khác nữa nếu chúng ta định dạng lại thẻ nhớ. Nếu các ứng dụng yêu thích của chúng ta không lưu trữ dữ liệu sao lưu lên Google Cloud, hãy nghĩ kỹ trước khi chúng ta "động" vào dữ liệu trên thẻ nhớ.
Hãy tắt nguồn điện thoại, lấy thẻ nhớ ra, gắn nó vào khe SD Card trên máy tính hoặc trên một thiết bị chuyển đổi và gắn vào máy tính. Tạo một thư mục trên máy tính với tên dễ nhớ, chép toàn bộ dữ liệu quan trọng từ thẻ nhớ vào thư mục này. Sau khi đã chép xong, nhớ kiểm tra lại dung lượng thư mục trên máy tính và dung lượng của thẻ nhớ để đảm bảo là chúng ta đã chép ra đầy đủ dữ liệu. Bây giờ, gắn lại thẻ nhớ vào điện thoại.
Mở lại điện thoại, truy cập vào phần Cài đặt (Settings) của điện thoại, tìm đến phần quản lý thẻ nhớ và định dạng thẻ nhớ ở đây. Lưu ý là không nên định dạng thẻ nhớ trên máy tính hay thiết bị nào khác rồi lắp thẻ nhớ vào điện thoại, chúng ta dùng điện thoại nào thì nên dùng điện thoại đó để định dạng cho thẻ nhớ. Thêm nữa, khi định dạng thẻ nhớ, chúng ta sẽ có rất ít khả năng để phục hồi lại dữ liệu. Sau khi đã chắc chắn dữ liệu đã được sao lưu, định dạng thẻ xong thì chúng ta tắt nguồn điện thoại, sau đó tháo thẻ nhớ ra.
Bây giờ gắn thẻ nhớ trở lại vào máy tính và chép những dữ liệu cần thiết vào lại thẻ nhớ đã định dạng. Nếu ở lần trước, chúng ta không chọn lọc chép dữ liệu từ thẻ nhớ để sao lưu vào máy tính, thì bây giờ chúng ta cần chọn lọc dữ liệu để chép trở lại vào thẻ nhớ. Những dữ liệu nào chúng ta biết và không cần dùng, thì không nên chép lại vào thẻ nhớ vừa định dạng. Còn những thư mục nào chúng ta không rõ, chúng ta cũng nên chép trở lại vào thẻ nhớ. Sau khi đã chép hết dữ liệu cần thiết vào thẻ nhớ, tháo nó ra khỏi máy tính, gắn trở lại vào điện thoại và mở nó lên.
Khi điện thoại đã mở lại rồi, khi mở thử một ứng dụng nào đó, có thể nó sẽ báo lỗi. Điều này là do khi cài đặt ứng dụng, dữ liệu cài đặt của nó lưu trữ lên thẻ nhớ, khi chúng ta chép lại dữ liệu từ máy tính vào thẻ nhớ đã định dạng, có thể bị thiếu hoặc không còn đúng nữa. Vì vậy, hãy tìm ứng dụng này trên Google Play Store và cài đặt lại để sửa lỗi này.
Một lưu ý có thể tạo nên sự khác biệt và đáng làm - mặc dù đây không phải là việc thường xuyên: nâng cấp thẻ nhớ với dung lượng và tốc độ cao hơn. Đây là thời điểm tốt để chúng ta thay thế một thẻ nhớ tốc độ thấp (Class 4 chẳng hạn) với dung lượng thấp (8GB chẳng hạn) khi chúng ta mới mua điện thoại bằng một thẻ nhớ dung lượng và tốc độ cao hơn - thẻ nhớ 16GB Class 10 chẳng hạn.
Không ai thích khôi phục lại cài đặt gốc (reset) điện thoại cả. Chúng ta mất hàng giờ để sao lưu mọi thứ nhưng cho dù chúng ta có cẩn thận tới đâu, chúng ta cũng sẽ quên vài thứ. Chưa kể là chúng ta sẽ mất đi những bản lưu các trò chơi yêu thích của mình trên điện thoại. Nhưng thỉnh thoảng, "đời không như là mơ" và chúng ta phải đi tới bước cuối cùng: reset lại máy.
Khôi phục cài đặt gốc sẽ xóa đi mọi thứ, đưa điện thoại của chúng ta trở lại trạng thái ban đầu như khi mới lấy điện thoại ra khỏi hộp. Những bản cập nhật phần mềm cho hệ thống trên điện thoại sẽ vẫn còn sau khi reset, nhưng những thứ như tin nhắn, hay những loại dữ liệu không được lưu trữ lên dịch vụ đám mây sẽ "ra đi" mãi mãi. Nhưng thỉnh thoảng, bắt đầu lại từ đầu sẽ mang lại nhiều thứ tốt hơn.
Chúng ta sẽ tìm thấy cách khôi phục cài đặt gốc trong phần Cài đặt (Settings) của điện thoại. Tìm những chỗ có ghi như Sao lưu và Khôi phục (Backup and Restore) hay Riêng tư (Privacy) để tìm ra mục giúp chúng ta có thể khôi phục cài đặt gốc. Khi đã tìm thấy nó, chạm vào để tiến hành reset điện thoại. Và khi reset điện thoại, những vòng chơi, cấp độ mà chúng ta đạt được trong các trò chơi yêu thích sẽ biến mất. Lưu ý là khi tiến hành reset điện thoại, dung lượng pin phải còn nhiều để đảm bảo quá trình diễn ra ổn định.
Khi điện thoại khởi động trở lại, điện thoại của chúng ta sẽ chạy nhanh hơn và sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để thiết lập lại mọi thứ từ những điều cơ bản.
6 tính năng rất hữu ích trên Android mà người dùng ít để ý
Android hiện tại là hệ điều hành phổ biến nhất trên nền tảng Smartphone. Đi cùng với đó Google tích hợp rất nhiều tính năng ... |
iPhone 6 đua giảm giá với điện thoại Android ở Việt Nam
Vừa xuất hiện ở Việt Nam được một tháng, nhưng giá của iPhone 6 phiên bản 32 GB đã giảm tới 2 triệu đồng, từ ... |
BlackBerry Passport rớt giá, còn 1/3 giá ban đầu
BlackBerry Passport, mẫu smartphone cao cấp "vuông như viên gạch" giờ chỉ còn ngang giá với một sản phẩm Android tầm trung giá rẻ. |