Theo báo cáo trái phiếu mới đây của Chứng khoán VNDirect, kể từ khi Nghị định 08 được ban hành và có hiệu lực từ đầu tháng 3 đến nay, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra sôi động.
Tính đến ngày 26/6 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42.000 tỷ đồng.
Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 – 24 tháng. Trong khi lãi suất trái phiếu được tính trong khoảng thời gian trái phiếu được gia hạn phần lớn cũng được thỏa thuận tăng so với lãi suất ban đầu của trái phiếu, với mức tăng từ 0,5% - 3% tùy theo khoảng thời gian gia hạn của trái phiếu.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn, có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như tạo ra đủ dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trái phiếu. Mặc dù giải pháp này có thể khiến họ phải gia tăng thêm chi phí tài chính trong tương lai.
Mặt khác, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến ngày 26/6 có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 159.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Khoảng hơn 43.800 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách trên sẽ đáo hạn trong năm nay, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Hai quý tiếp theo, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn đang gia tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền. Trong đó, trong quý III sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ dồng trái phiếu đáo hạn, tăng 14,9% so với quý II vừa qua. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III, theo sau là nhóm tài chính - ngân hàng là tỷ lệ chiếm 30%.
Nhìn lại tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý II vừa qua, theo số liệu tổng hợp của VNDirect, trong quý II có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I và giảm 83,1% so với cùng kỳ.
Trong đó có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành, và một đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng, chiếm 10,4%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6%, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9%.
Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý II với tỷ trọng hơn 34,9% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng, nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm logistics.
Sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3 (thời điểm ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành), hoạt động phát hành riêng lẻ trong quý II lại trầm lắng. VNDirect cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trầm lắng trong quý II.
Ngược chiều, hoạt động mua lại trước hạn bất ngờ gia tăng trong quý II với hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý I và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5.
VNDirect thấy rằng xu hướng này chủ yếu đến từ hoạt động mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng. Trong quý II, nhóm ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý II. Trong khi trong quý I, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán này cho rằng nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình. Các ngân hàng đã mua lại nhiều nhất có thể kể đến TPBank đã mua lại 5.500 tỷ đồng, OCB đã mua lại 5.500 tỷ đồng, MSB đã mua lại 5.000 tỷ đồng, BIDV mua lại 4.792 tỷ đồng, Techcombank đã mua lại 4.500 tỷ đồng,...