Điểm trường THCS Cư Pui hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào hoạt động. Ảnh: Trang Anh. |
Trường THCS Cư Pui, điểm trường Ea Lang (thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng theo dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do.
Trường được xây dựng từ tháng 10/2015, đến tháng 10/2016 thì hoàn thành với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng với 8 phòng học.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm hoàn thiện, đến nay Trường THCS Cư Pui vẫn chưa được đưa vào hoạt động khiến các em học sinh ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Rớt, Ea Uôl, Cư Rang, Cư Tê, Ea Bar đến trường vô cùng khó khăn, khi điểm trường chính cách các thôn từ 10-20km.
Bà Đinh Thị Mai (SN 1971, thôn Ea Lang) cho biết, mặc dù trường đã được hoàn thiện từ lâu nhưng đến nay các em học sinh ở thôn vẫn phải vượt quãng đường khá xa để đến trường.
“Vào ngày trời nắng thì không sao, chứ cứ mưa xuống, đường đất lầy lội các cháu rất khó khăn trong việc đi lại. Nhiều cháu nhà xa phải ở trọ lại gần trường để tiện cho việc đi học.
Tôi cũng có cháu học ở đó nên ngày ngày cháu phải đạp xe đạp đến trường, rồi chiều lại đạp về. Có những hôm xe hư, mãi đến tận 9-10h đêm cháu mới đến nhà khiến gia đình tôi rất lo lắng”, bà Mai chia sẻ.
Em Sùng Văn Tròng (học sinh lớp 6, Trường THCS Cư Pui) với thân hình nhỏ thó, gương mặt đen nhẻm vì cái nắng, cái gió tâm sự: “Do nhà cách trường xa, đường sá lại khó đi nên hàng ngày em phải dậy từ 5h sáng để đến trường.
Chúng em chỉ mong ngôi trường này được đưa vào hoạt động để có thể đến trường học con chữ một cách dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, mặc dù điểm trường chỉ mới hoàn thành thời gian ngắn, nhưng nhiều mảng tường đã nham nhở, bong tróc và bị vấy bẩn.
Nhiều bờ tường, hành lang trở nên nhem nhuốc. Ảnh: Trang Anh. |
Không những thế, hành lang trở nên nhem nhuốc bởi sình lầy, rác thải…Cùng với đó, ngôi trường vẫn chưa có các phòng hiệu bộ, cổng, tường rào, khu vực vệ sinh, nhà giữ xe…
Đặc biệt, khi UBND huyện Krông Bông hoàn thiện và bàn giao lại cho địa phương tiếp quản lại không bố trí giáo viên. Trường THCS Cư Pui cũng không thể điều động giáo viên từ điểm trường chính về được, chính vì thế điểm trường mới vẫn “bất động”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có một trường THCS nên nhiều em học sinh ở các thôn buôn xa phải vượt hàng chục km để đến trường.
Ngôi trường THCS Cư Pui nếu được đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được cho hơn 400 em học sinh. Tuy nhiên, trường đã hoàn thành từ lâu, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên một số hạng mục chưa được hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
“Để nhanh chóng cho các em được đến điểm trường mới học tập, đơn vị đã có báo cáo và kiến nghị lên UBND huyện tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại, đồng thời phân bổ giáo viên về giảng dạy tại trường mới.
Trong thời gian này, xã đã thống nhất với người dân thuê một bảo vệ để trông giữ trường với giá 1,5 triệu đồng/tháng”, ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm vào năm học 2017-2018, Trường THCS Cư Pui sẽ được đưa vào hoạt động, khi đó địa phương sẽ vừa xây dựng vừa khắc phục khó khăn, nằm đảm bảo cho các em đi học trong điều kiện tốt nhất.
Đắk Lắk: Cụm công nghiệp có nhiều hạng mục bỏ hoang, thành nơi nuôi bò của dân
Cụm công nghiệp Tân An bỏ hoang từ lâu, trở thành nơi thả bò của người dân, gây lãng phí quỹ đất. |