Bang Keng - di tích bị lãng quên

Nhiều năm qua, do sự tàn phá của thiên nhiên, di tích Bang Keng (tên ngọn Tháp Chàm tại xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) chỉ còn lại một ụ đất hoang tàn với rải rác những mảnh gạch vụn vỡ, nham nhở. Ít ai biết rằng nó đã từng là một cột mốc đánh dấu sự chung sống hòa hợp giữa người Chăm Pa cổ và người Jrai.
 

Chỉ còn trong hồi ức

bang keng di tich bi lang quen
Ụ đất nơi tháp Bang Keng từng tồn tại. (Ảnh: Trang Anh)

Chẳng ai biết rõ di tích Bang Keng có từ khi nào, có chăng chỉ là những lời kể chắp vá của người lớn tuổi truyền từ đời này sang đời khác ở nơi đây.

Nhưng trong tâm trí những người già của buôn Jú, ngôi tháp Bang Keng là cột mốc đánh dấu mối giao tình giữa hai dân tộc Jarai và Chăm Pa.

Đi tìm câu trả lời về di tích Bang Keng, chúng tôi xuôi về buôn Jú để được nghe già Ksor Blớ kể về ngôi tháp chàm đã từng tồn tại sừng sững uy nghi giữa núi rừng Tây Nguyên.

Khi được hỏi về Bang Keng, đôi mắt của già Blớ bỗng sáng lên lạ thường. Già không còn nhớ tuổi của mình là bao nhiêu nhưng Bang Keng thì già nhớ rõ lắm. Bởi đây chính là niềm tự hào của người dân nơi già đang sinh sống.

Lục lại quá khứ, già Blớ bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe về Bang Keng. Từ lúc còn nhỏ, già Blớ vẫn còn được nhìn thấy hình thù nguyên vẹn của tháp.

Đó là một ngọn Tháp Chàm của người Chăm Pa, vững chãi, sừng sững như những ngọn núi vây quanh làng. Đỉnh của ngọn tháp mở rộng ra như ngọn giáo, chân tháp được xây dựng vuông vức như được đúc từ trong khuôn ra vậy.

Ngay cả những người cao tuổi nhất cũng không ai nhớ rõ Bang Keng có từ bao giờ. Thế nên, dù là tháp của người Chăm nhưng cái tên của nó lại do người J’rai sống ở đây đặt ra. Dịch theo tiếng của đồng bào J’rai thì Bang có nghĩa là hang động còn Keng là tên của một loài chim trong rừng sâu.

bang keng di tich bi lang quen
Tháp Bang Keng giờ chỉ còn lại những viên gạch cũ. (Ảnh: Trang Anh)

Nhìn bề ngoài, ngọn tháp này rất giống một cái hang. Mỗi khi màn đêm bắt đầu buông xuống, loài chim Keng lại bay về đây trú ngụ nên người dân trong vùng mới đặt tên cho ngọn tháp là Bang Keng.

“Ngày xưa Bang Keng cao lắm, cao gần tới cả ngọn cây. Không ai nghĩ được rằng, vào thời điểm đó, người Chăm lại có thể xây dựng được ngọn tháp to, đẹp và chắc chắn đến vậy.

Lúc nhỏ tôi còn được ông bà kể lại rằng trước kia người Chăm sống ở ngôi làng bên kia sông. Ngày xưa nước sông còn cạn nên họ thường hay qua đây giao lưu với đồng bào chúng tôi. Trai gái hẹn hò, cùng nhau nhảy điệu xoan, uống rượu cần vui lắm.”, già Blớ hồi tưởng.

Đang say mê kể về vẻ đẹp của Bang Keng, giọng già Blớ bỗng nhiên chùng xuống như một điệu ru hời khi nghĩ về cái ngày Bang Keng sụp đổ.

Đó là vào năm 1960, Bang Keng bất ngờ đổ ập xuống. Lúc đó, ai trong buôn Jú cũng cảm thất tiếc nuối vô cùng nhưng không thể nào dựng lại được. Bởi chỉ có người Chăm Pa mới có kĩ thuật dựng tháp mà thời bấy giờ, đồng bào người Chăm đã không còn ở đây nữa.

Thời gian cứ thế trôi qua, dấu tích của Bang Keng theo đó mà dần dần biến mất. Mãi cho tới năm 2006, nó mới được các nhà khoa học phát hiện. 4 năm sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ cùng với Bảo tàng tỉnh Gia Lai bắt tay vào khai quật di tích này.

Nỗi buồn để lại

bang keng di tich bi lang quen
Một di tích cổ xưa, giờ đây trở thành hoang phế. (Ảnh: Trang Anh)

Những tác động của thiên nhiên đã làm cho Bang Keng sụp đổ và trở thành hoang phế. Cứ nhắc tới chuyện này, già Blớ lại đượm buồn. Thế nên đã lâu rồi, già không còn trở lại Bang Keng vì sợ rằng mỗi lần nhìn thấy cảnh tượng đó già không thể kìm lòng.

Cuối cùng, phải nhờ sự giúp đỡ của anh Nay Jut, cán bộ văn hóa xã chúng tôi mới tìm ra đường đến Bang Keng. Đi bộ gần 3 cây số qua các nương rẫy của người Jarai, anh Jut chỉ tay về phía bụi rậm phía trước mặt bảo rằng đó là Bang Keng.

Những hình ảnh mà già Blớ vẽ ra cho chúng tôi trước đó về ngọn tháp càng đồ sộ, cổ kính bao nhiêu thì bây giờ trước mắt chúng hiện lên một ụ đất với cỏ dại và cây xanh phủ kín.

Phải tới sát đó, vạch từng ngọn cỏ mới có thể nhìn được những dấu vết còn sót lại của phế tích Bang Keng.

Vương vãi xung quanh ụ đất chỉ là những viên gạch đá nằm chỏng chơ không còn nguyên dạng.

“Vùng đất này nắng dữ dội mà lũ cũng kinh khủng không kém. Cộng với cả sự tác động của con người nữa thế mà bao nhiêu năm nay những viên đá này vẫn chỉ hư hỏng một phần nhỏ thôi.

Đồng bào người J’rai vẫn không thể lý giải được vì sao người Chăm Pa cổ lại có thể tạo nên loại vật liệu vừa bền vừa đẹp như thế, nhưng tiếc là bây giờ không ai có thể hình dung được Bang Keng có hình thù thực sự đẹp đến như thế nào mà những người già trong vùng vẫn luôn ca ngợi.

Nếu cứ để như thế này thì tháp Bang Keng chẳng bao lâu nữa chỉ còn là dĩ vãng”, anh Jut trầm ngâm.

bang keng di tich bi lang quen
Các nhà khoa học đang tiến hành khai quật, khảo cổ phế tích Bang Keng.

Theo thông tin từ sở VHTT-DL tỉnh Gia Lai, phế tích tháp Bang Keng được Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ phát hiện vào ngày 10/10/2006, trong một chuyến nghiên cứu – sưu tầm của Bảo tàng Gia Lai ở vùng Krông Pa.

Đến tháng 6/2010, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ (Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) khai quật quy mô lớn di tích kiến trúc này.

Cuộc khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ phần còn lại của di tích. Đó là một công trình được xây bằng gạch, quay về hướng đông và có tường bao. Tại thời điểm khai quật, Bang Keng chỉ còn lại phần chân móng, các cạnh tường phía trên trong tình trạng sụp đổ nhiều, riêng cạnh tường phía nam và cấu trúc lòng sàn ở trung tâm kiến trúc đã bị phá vỡ hoàn toàn.

Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Mạnh - người chịu trách nhiệm chính trong cuộc khai quật Bang keng cho biết, có khả năng Bang Keng là một kiến trúc ảnh hưởng Ấn Độ giáo.

Ngọn tháp có diện tích 6,4 m x 7,8 m, móng sâu 1,8 m, được gia cố bằng lớp cát và đá cuội to cỡ nắm tay trước khi xây gạch lên. Gạch của công trình kiến trúc này có kích thước khá lớn là 40 cm x 20 cm x 8cm, nặng gần 20 kg mỗi viên.

Về niên đại của di tích này, các nhà nghiên cứu nhận định: di tích có niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII căn cứ vào đặc điểm cấu trúc kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và gạch sử dụng trong kiến trúc có mối quan hệ gần gũi với di tích Proh I, Proh II, với nhóm di tích kiến trúc Cát Tiên có khung niên đại này.

Đặc điểm loại hình ngói lợp và đầu ngói ống tại di tích Bang Keng gần gũi với sưu tập ngói cùng loại tìm thấy tại di tích Thành Hồ (Phú Yên) và có tương đồng với đầu ngói ống tìm thấy tại di tích Trà Kiệu (Quảng Nam) cùng khung niên đại.

bang keng di tich bi lang quen Đắk Lắk: Giám đốc công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải cứu con tin bị thanh niên dùng dao và kim tiêm khống chế

Sau khi nhận được tin báo, Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp chỉ đạo giải cứu con tin bị thanh niên ...

bang keng di tich bi lang quen Học sinh vùng cao bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học

Ngày khai giảng, cũng là ngày khởi đầu của một năm học mới, các em học sinh nơi vùng cao vẫn còn bỡ ngỡ, xa ...

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.