Trong số này có 10 dự án trong nước; 5 dự án đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực hóa chất, công nghiệp, điện tử, dược phẩm, đô thị, công nghiệp, du lịch... Một số dự án quy mô vốn đầu tư lớn như: nhà máy thép tấm lợp tại KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (4.500 tỷ đồng); nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tại KCN Cái Mép (1.390 tỷ đồng); nhà máy Electronic Tripod Việt Nam tại KCN Châu Đức (250 triệu USD); dự án sản xuất Bio-based BDO tại KCN Phú Mỹ II (730 triệu USD)...
Quý 1 năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án với tổng vốn hơn 62.000 tỷ đồng, đạt 90,8% kế hoạch năm 2024. Trong đó, 13 dự án FDI với tổng vốn hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước cấp mới hoặc tăng thêm tại Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 50.800 tỷ đồng, trong đó vốn FDI 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 32.400 tỷ đồng. Hiện tỉnh có 1.156 dự án đầu tư, trong đó 465 dự án FDI với tổng vốn 33 tỷ USD và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 400.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nói sau 33 năm kể từ ngày thành lập tỉnh hiện đã khẳng định là một cực tăng trưởng quan trọng, với quy mô kinh tế, đóng góp ngân sách trung ương; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Với sự đầu tư của Trung ương cho hạ tầng Đông Nam Bộ, chỉ 1-2 năm nữa vùng và Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch - đô thị, dịch vụ chất lượng cao.
Theo ông Thanh, quy hoạch lần này là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn. "Tỉnh sẵn sàng lắng nghe, lấy niềm tin, sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền", ông Thanh nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bà Rịa - Vũng Tàu cần giữ vị trí tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước; tạo ra đột phá mới, giá trị mới. Ngoài ra, địa phương cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế.
"Tỉnh cần tiên phong xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép - Thị Vải có một không hai của đất nước", ông Hà nói và cho rằng điều này đặt ra cho tỉnh cơ hội rất lớn, là tiền đề tạo ra cơ chế pháp lý để giúp cho cả nước xây dựng mô hình khu thương mại tự do.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, dân số hơn 1,1 triệu người (năm 2020), là một trong những địa phương đóng góp lớn vào GDP và tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2023, GRDP tăng 5,75%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 8.078 USD, cao gần gấp đôi bình quân cả nước. Quy mô kinh tế của tỉnh năm ngoái đạt 366.456 tỷ đồng (tương đương 15,250 tỷ USD) chiếm 3,51% tổng GDP của cả nước.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2025-2030, tầm nhìn đến 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương, nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước, đồng thời là một trong những động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột gồm công nghiệp; hàng hải, dịch vụ logistics; du lịch và các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại. Giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế bình quân dự kiến 8,1-8,6%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 18.000-18.500 USD.
Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Địa phương có kết cấu hạ tầng hoàn thiện, kinh tế phát triển theo hướng tuần hoàn, xanh...