Xe đạp điện với tính năng sử dụng tiện lợi, gọn nhẹ, không tốn tiền xăng, song cũng đem lại nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng...
Rủi ro tai nạn giao thông
Một kỹ sư Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, một số loại xe đạp điện được bán trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ có kết cấu khung sườn, bộ phận phanh không bảo đảm. Xe đạp điện có đặc điểm nhẹ, tốc độ có thể đạt tới 40 - 50km/h nên khi xảy ra va chạm, độ văng rất mạnh khiến người điều khiển bị chấn thương nặng hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới cho hay, cả nước hiện có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong năm 2015, Cục đã cấp chứng nhận chất lượng cho hơn 60 kiểu loại xe máy điện, xe đạp điện; Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho hơn 54.800 xe đạp điện và hơn 37 nghìn xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Số lượng xe không đạt tiêu chuẩn, xe nhập lậu, sản xuất lắp ráp chui chưa được Cục cấp giấy chứng nhận chất lượng là rất lớn.
Chiếc xe đạp điện bốc cháy giữa phố (ảnh: Công an TP HCM) |
Những hạn chế và rủi ro mà xe đạp điện có thể đem lại là vậy, nhưng thực tế nhiều em học sinh đi xe đạp điện khi tham gia giao thông thường không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông và người đi đường. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan tới xe đạp điện.
TS. Hoàng Ngọc Sơn, Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện phải tiếp nhận nhiều ca bị tai nạn liên quan tới xe đạp điện, nhiều cháu bé chấn thương sọ não vì phương tiện này. TS. Hoàng Ngọc Sơn kể, có lẽ trường hợp của cháu N.H.L, 11 tuổi (trú tại Hà Nam) là đau lòng nhất.
Cháu L. đi học bằng xe đạp điện, bị ngã xe, va vào xe ô tô đang đi bên cạnh dẫn tới bị chấn thương sọ não. Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng do chấn thương của cháu quá nặng, gia đình phải xin cháu về nhà.
Hay như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Th., 14 tuổi (Mỹ Hào, Hưng Yên) được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, sưng nề hàm mặt, xương gò má trái, chảy máu tai, chân trái sưng nề biến dạng…
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này bị đa chấn thương, dập não, vỡ xương thái dương, gãy xương mác bên chân trái.
Người nhà cho biết thêm, Th. và bạn tham gia giao thông bằng xe đạp điện và không làm chủ được tốc độ, đâm vào ô tô khiến bạn đi cùng Th. tử vong còn Th được đưa đến bệnh viện cấp cứu. TS. Sơn cho biết, còn rất nhiều ca tai nạn đáng tiếc do xe đạp điện.
Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, người sử dụng xe đạp điện có nguy cơ gặp rủi ro, đặc biệt là các em học sinh vốn còn non nớt về tay lái và thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn.
Với rủi ro mà xe đạp điện đem lại, nhiều người ví von phương tiện giao thông này như… “hung thần” trên đường phố.
Hạn chế vận động
PGS.TS Mai Xuân Khẩn, Bệnh viện 103 chia sẻ, cơ thể con người cần vận động để giúp khí huyết lưu thông, duy trì, nâng cao sức khỏe. Tùy từng lứa tuổi mà cường độ vận động ở mức hợp lý, đem lại hiệu quả cao nhất, có được sức khỏe tốt nhất. Và các em học sinh cũng không nằm ngoài quy luật, phải vận động để có sức khỏe dẻo dai.
Trước đây, học sinh chủ yếu đi học bằng xe đạp truyền thống. Có em phải đạp xe 5 -10km để đến trường. Đến trường lại học môn thể dục nữa, cường độ vận động của học sinh liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe.
“Thành ra, chưa tan lớp mà nhiều em học sinh bụng đói cồn cào. Cái đó cũng là một phần từ việc vận động, đem lại sức khỏe rất tốt cho học sinh…” PGS. TS Mai Xuân Khẩn phân tích.
Giờ đây, nhiều em học sinh từ thành thị tới nông thôn đều sử dụng xe đạp điện nên cường độ vận động có phần bị hạn chế so với trước đây. Chính vì thế, PGS.TS Mai Xuân Khẩn cảnh báo, với thời gian học hành ngày càng nhiều, việc các em học sinh sử dụng xe đạp điện sẽ mất đi cơ hội để rèn luyện sức khỏe thông qua việc vận động. Còn đối với người có tuổi, nếu lười biếng vận động sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mất ngủ, stress, tăng cân...
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo thống kê của Bộ GT-VT, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có trên 2,5 triệu xe đạp điện, xe máy điện. Chúng ta lầm tưởng rằng, việc sử dụng xe đạp điện là giúp bảo vệ môi trường, giảm lượng khói bụi thải ra môi trường, nhưng thực tế không phải vậy?!.
Nguồn gốc của xe đạp điện chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Xe đạp điện có 2 loại động cơ chính: một loại chạy bằng pin, còn một loại chạy bằng ắc quy.
Các loại pin hay ắc quy của xe đạp điện luôn chứa một lượng chì rất lớn, đây là thuộc vào nhóm chất thải nguy hiểm - độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chì có tác hại rất nghiêm trọng, người bị nhiễm độc từ chì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não, thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, độc tính với cơ quan sinh sản, rối loạn hành vi - dẫn đến mất phương hướng, thậm chí tử vong.
Quá trình sản xuất, tái chế ắc quy với công nghệ lạc hậu, sẽ làm môi trường bị ô nhiễm nặng từ các tấm chì điện cực, vỏ bình ắc quy, nước a-xít ngấm vào lòng đất.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Mỗi xe đạp điện thường gắn 3 - 4 bình ắc quy, mỗi bình ắc quy có tuổi thọ 2 năm.
Nếu Việt Nam có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì sau 2 năm sẽ có 3 - 4 vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường. Như vậy, chúng ta cần phải tính ngay đến việc xử lý chất thải nguy hại này, nếu không chất thải này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Những cảnh báo trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi vào thời điểm năm 2015, dư luận rúng động trước thông tin thôn Đông Mai (tỉnh Hưng Yên) có tới 65% trẻ em làng tái chế ắc quy bị nhiễm độc chì.
Ai cũng mong muốn xe đạp điện là người bạn tin cậy trên mọi nẻo đường. Thế nhưng với những rủi ro mà nó đem lại thì có người ví von: Xe đạp điện là… “hung thần” đường phố là có cơ sở.
Va chạm với xe bồn, cô gái trẻ bị cuốn vào gầm tử vong tại chỗ Cô gái trẻ điều khiển xe đạp điện đi trên đường Đại lộ Thăng Long thì va chạm với xe bồn, bị cuốn vào gầm ... |