Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm
Xe buýt từ lâu được xem là phương tiện vận chuyển công cộng cần thiết và hữu ích cho nhiều đối tượng nhất là sinh viên, công nhân, những người buôn bán... Mặc dù không phủ nhận vai trò và lợi ích mà phương tiện này trong sinh hoạt đô thị nhưng việc tài xế vì áp lực về tài chính, thời gian “phải về trạm sớm nếu không sẽ bị phạt” khiến họ chạy ẩu, phóng nhanh, lạng lách trên các con đường trong thành phố.
Nhiều xe buýt chuyên chạy tuyến đường dài tại TP HCM còn đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để giành khách và trả khách không đúng quy định. Hậu quả đằng sau những cuộc “rượt đuổi” ấy là các tai nạn thương tâm khiến ai ra đường nhìn thấy xe buýt cũng phải né tránh.
Nhắc tới việc xe buýt gây tai nạn, người dân Sài Gòn vẫn chưa hết hoang mang và khiếp sợ. Mới đây nhất ngày 9/11 trên đường Lê Lai (quận 1) đã xảy ra vụ tai nạn giữa một xe buýt và một xe máy.
Theo thông tin của cơ quan chức năng, người đàn ông chạy hướng từ ngã sáu Phù Đổng về chợ Bến Thành, khi đến trước cửa tòa nhà INN SAIGON thì bất ngờ bị xe buýt chạy cùng chiều cắt đầu khiến người đàn ông té xuống đường rồi bị bánh sau của xe buýt cán qua người làm tử vong tại chỗ.
Người thân gào khóc trước thi thể nạn nhân sau vụ va chạm với xe buýt trên đường Lê Lai (quận 1). |
Vào trưa 31/10, một vụ tai nạn thương tâm khác liên quan đến xe buýt cũng xảy ra trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh). Xe buýt số 18 chạy tuyến Bến Thành – chợ Hiệp Thành đang lưu thông trên đường hướng từ chợ Bà Chiểu về đường Phạm Văn Đồng, khi qua giao lộ đường Nguyễn Văn Đậu bất ngờ xảy ra va chạm với một người phụ nữ tên T. (53 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) đang đi bộ qua đường làm tử vong.
Trở lại hiện trường vụ tai nạn, dù vụ việc đã xảy ra hơn nửa tháng nhưng những người dân sống tại đây vẫn bàng hoàng khi nhắc lại. “Từ phía xa, chiếc xe buýt lao vun vút, còi bấm inh ỏi, lúc này chị T. bán khoai lang dạo đi qua đường nhưng vì bị tật ở chân không thể đi nhanh được. Tài xế dù đã nhìn thấy nhưng không hề giảm tốc độ, khi tới gần khoảng cách chỉ tầm 2m tài xế mới chịu bẻ lái tránh sang phía bên phải nhưng hông chiếc xe đập vào người chị T. khiến chị ấy ngã xuống rồi bị bánh sau cán trực tiếp qua bụng. Tài xế sau khi gây tai nạn mở cửa và chạy mất khỏi hiện trường”– cô Hương, bán hủ tiếu gần hiện trường vụ tai nạn trên đường Lê Quang Định kể lại.
Ra đường sợ nhất xe buýt
Sau hàng loạt những vụ tai nạn thương tâm khiến tâm lý của không ít người dân thành phố luôn nơm nớp lo sợ mỗi lần lưu thông trên đường. Chị Thủy Nguyên (ngụ quận Thủ Đức) ca thán: “Mỗi lần ra đường điều khiến tôi lo lắng nhất chính là xe buýt. Có hôm tôi đi đón con về, trời mưa, đường kẹt nhưng mấy chiếc xe buýt vẫn chen lấn, chèn hết làn đường của xe máy còi thì bấm inh ỏi, ra chẳng ra mà vào cũng chẳng vào khiến người đằng sau chẳng biết đường nào mà đi. Nhiều lúc thấy những “hung thần” này trên đường tôi phải chạy tấp vào vỉa hè chờ xe đi qua mới dám chạy tiếp. Đường đông mà họ cứ phóng bạt mạng như đường “nhà mình” vậy”.
Những chiếc "hung thần" so kè nhau trên đường khiến không ít người dân khiếp vía. |
Không riêng người đi đường, ngay cả những bạn sinh viên thường xuyên sử dụng xe buýt cũng từng nhiều phen “hú vía” khi ngồi trên xe. Phóng viên đã thực nghiệm trên một xe buýt chạy tuyến KTX ĐHQG – BX. Quận 8. Khi tới các ngã tư, tài xế đều cố gắng nhấn ga để vượt qua dù đèn đã chuyển màu vàng.
Khi qua đoạn ngã tư Hàng Xanh, do cố vượt đèn vàng cùng lúc một chiếc xe máy bên kia phóng qua nên buộc xe buýt thắng gấp, cú hãm phanh đột ngột khiến tất cả hành khách trên xe lao hết về phía trước, nhiều người đập đầu vào thành ghế.
Chưa dùng lại ở đó, bác tài xế còn buông lời chửi mắng người chạy xe máy bằng những từ ngữ thô tục.
Giờ cao điểm, dòng người chen chúc với xe buýt trên đường. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều tuyến đường huyết mạch của thành phố tình trạng xe buýt vô tư ra vào trạm mà chẳng cần báo xi nhan vẫn thường xuyên diễn ra. Nhất là tình trạng đón trả khách không đúng điểm, thả khách giữa đường khiến không ít người đi đường thót tim.
Chị Huỳnh Thị Thu Thảo (ngụ tại quận 12) kể lại: “Giữa trưa nắng, đường Nguyễn Thị Minh Khai kẹt cứng hai chiếc xe buýt chạy ngay phía sau tôi cứ bấm còi liên tục, chen qua lấn lại. Lúc tới ngang mặt xe một nhân viên trên xe buýt còn ngoái đầu ra ngoài mắng: 'Không biết chạy xe à', đúng là hết chỗ nói”.
Sáng ngày 27/10, một vụ va chạm giữa tài xế xe buýt với người đi đường khiến người đàn ông tên Kiều Khanh bị thương tích và phải vào viện cấp cứu.
Tài xế sau khi gây ra vụ việc vẫn điềm tĩnh lên xe chạy tiếp, đến cuối tuyến thì bị công an bắt giữ. Vụ việc trên một lần nữa đặt ra dấu hỏi về đạo đức nghề nghiệp của những tài xế xe buýt và loại phương tiên công cộng được mệnh danh “hung thần”.
Tại Khoản 1, Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định: Người tài xế gây tai nạn làm thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2005: Ngoài trách nhiệm hình sự mà tài xế phải gánh chịu, thì chủ xe buýt phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Được quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 thì chủ xe buýt phải có nghĩa vụ bồi thường các khoản như: Mức bồi thường dân sự, mai táng phí, tổn thất tinh thần, không quá 60 tháng lương tối thiểu. Tài xế gây tai nạn còn phải phụ cấp, nuôi dưỡng người thân hết khả năng lao động, con cái người bị nạn dưới 18 tuổi cho tới tuổi trưởng thành. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (đoàn luật sư TPHCM) |