Hưng Thịnh Land lỗ hơn 538 tỷ đồng nửa đầu năm 2024

Hưng Thịnh Land tiếp đà thua lỗ từ năm 2023, trong khi đó nợ phải trả ngày càng phình to, ở mức hơn 62.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6.

Một dự án của Hưng Thịnh Land. (Ảnh: Chủ đầu tư).

Theo thông tin vừa công bố, CTCP Hưng Thịnh Land lỗ sau thuế hơn 538 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 (cùng kỳ lỗ hơn 88 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Hưng Thịnh Land hơn 18.284 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,42 lần, tương ứng nợ phải trả gần 62.533 tỷ đồng (tăng 11%), trong đó dư nợ trái phiếu chiếm hơn 17.187 tỷ đồng.

(H.L tổng hợp).

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tính đến hiện tại, Hưng Thịnh Land còn 12 lô trái phiếu đang lưu hành, được phát hành trong giai đoạn 2020 - 2021.

Ngày 6/9 vừa qua, Hưng Thịnh Land công bố thông tin về việc Chứng khoán Tân Việt (TVSI) – đại diện người sở hữu trái phiếu, đã yêu cầu Hưng Thịnh Land mua lại bắt buộc hai mã trái phiếu phát hành năm 2020 (HTLAND.2020.TV01 và HTLAND-H2023-005) với tổng giá trị hơn 701 tỷ đồng.

Theo công văn TVSI gửi Hưng Thịnh Land ngày 4/7, tổ chức phát hành cam kết duy trì kinh doanh có lãi bằng cách đảm bảo lợi nhuận sau thuế dương theo báo cáo kiểm toán hàng năm trong suốt thời hạn của trái phiếu. Tuy nhiên theo báo cáo kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Hưng Thịnh Land âm gần 897 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm hơn 2.865 tỷ đồng.

Căn cứ theo các quy định cam kết, Hưng Thịnh Land sẽ phải mua lại bắt buộc hai lô trái phiếu trên vào ngày 5/9/2024. Tuy nhiên đến hạn, công ty vẫn chưa thể thanh toán. Lý do được doanh nghiệp này đưa ra là do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến tổ chức phát hành chưa kịp thu xếp nguồn tiền. Doanh nghiệp dự kiến chậm nhất ngày 28/11/2024 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền trên.

(H.L tổng hợp).

Hưng Thịnh Land được thành lập vào năm 2002 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Đồng Tiến, hoạt động trong lĩnh vực môi giới và phân phối bất động sản. Sau nhiều lần đổi tên, doanh nghiệp chính thức trở thành CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh vào năm 2019.

Đến năm 2020, Tập đoàn Hưng Thịnh tái cấu trúc, Hưng Thịnh Land nhận chuyển giao toàn bộ mảng đầu tư, kinh doanh và phát triển bất động sản từ Tập đoàn Hưng Thịnh.

Theo thông tin tự giới thiệu, Hưng Thịnh Land đã và đang phát triển 59 dự án với hơn 30.000 sản phẩm. Các dự án đã hoàn thiện và bàn giao có thể kể đến như: Richmond City (quận Bình Thạnh, TP HCM), 9 View Apartment (TP Thủ Đức, TP HCM), Khu căn hộ Lavita Charm (TP Thủ Đức, TP HCM), Khu căn hộ Q7 Boulevard (quận 7, TP HCM),  Moonlight Residences (TP Thủ Đức, TP HCM), Vũng Tàu Melody (TP Vũng Tàu)… 

Ngày 31/7 vừa qua, Hưng Thịnh Land công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, một phần trong quá trình tái cấu trúc đang được thực hiện.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.