Hưng Yên dồn lực cho loạt công trình giao thông trọng điểm

Tỉnh Hưng Yên đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, nhất là những công trình giao thông có vai trò động lực. Điều này không chỉ tạo ra bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông mà còn thúc đẩy kinh tế đưa Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

 

Hưng Yên đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh, thành phố giáp ranh triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đường kết nối đường tỉnh 38 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các nút giao với đường Vành đai 4; đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng đường gom dọc hai bên Quốc lộ 5; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài.

Cùng đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông quan trọng như: Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường bên của tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan và cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh…

Mới đây, ngày 7/7, tỉnh Hưng Yên đã khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Tuyến đường bộ này có chiều dài 23,83 km; tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là hơn 1.779 tỷ đồng, tuyến đường có điểm đầu nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ và điểm cuối tại xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên sẽ nối với đoạn qua tỉnh Hà Nam để nối với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, tại Liêm Tuyền.

Gói thầu số 11 của dự án Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long). (Ảnh: Huy Hùng – TTXVN).

Đây là tuyến đường quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc hoàn thành dự án này sẽ nâng cao khả năng khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, giảm tải cho Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của tỉnh Hưng Yên, mở rộng không gian kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư.

Cũng trong ngày 7/7, tỉnh Hưng Yên đã khởi công tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan với tổng chiều dài 29,2km, mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuyến đường đi qua 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, được xem là "trục xương sống" thứ 3 của tỉnh này sau tuyến Quốc lộ 39 và đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy khẳng định, đây lựa chọn chiến lược của Hưng Yên, góp phần phá thế độc đạo cho 3 huyện nghèo nhất của tỉnh là Ân Thi, Tiên Lữ và Phù Cừ. Khi tuyến đường đi vào khai thác sẽ kết nối kinh tế các huyện này với các huyện trong tỉnh, vùng và cả nước; tạo không gian phát triển mới. Các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ dù đi sau sẽ về trước để cùng Hưng Yên, các tỉnh trong khu vực và cả nước phát triển nhanh, bền vững.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên, dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành 17 dự án giao thông. Với tuyến đường do Trung ương quản lý, cụ thể Dự án thành phần 2.2 Vành đai 4 đã được khởi công từ tháng 11/2023. Hiện trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 8 mũi thi công đường, tiến độ thi công cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đã được phê duyệt và phấn đấu hoàn thành vào ngày 30/9/2025.

Đối với tuyến đường tỉnh, hiện tỉnh đã thi công cơ bản hoàn thành là tuyến đường tỉnh 382B đoạn từ ranh giới tỉnh Hưng Yên - Hà Nội đến nút giao đường Vành đai 3,5 bên trái tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng 4 nhánh đường thuộc nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và xây dựng đường Vành đai 3,5 từ chân cầu vượt Long Hưng đến ranh giới Khu đô thị Đại An...

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải, bên cạnh các tuyến đường tỉnh đã hoàn thành, Hưng Yên cũng đã khởi công và đang tập trung thi công dự án đầu tư xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên đến nay đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn khối lượng các cầu vượt, dự kiến hoàn thành toàn bộ tháng 8/2024; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến sẽ hoàn thành tháng 12/2025; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối Quốc lộ 39 với đường tỉnh 376, dự án đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng mắc giải phóng mặt bằng khu vực xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2024.

Đối với các hệ thống đường huyện, đường đô thị, tỉnh cũng đã triển khai dự án đường phía tây sông Điện Biên (đoạn từ Chùa Diều đến hết địa phận thành phố Hưng Yên), dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông và kè sông Bần - Vũ Xá, thị xã Mỹ Hào, hiện dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành cuối năm 2025...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết, nhằm hiện thực hóa về phát triển hạ tầng giao thông, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển giao thông, vận tải trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là căn cứ để các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phát triển giao thông, vận tải; phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo ông Nguyễn Lê Huy, kế hoạch nhằm phát triển hợp lý, bền vững hệ thống giao thông vận tải nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực; chú trọng phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt. Đồng thời, phát triển vận tải an toàn, tiện lợi với chất lượng ngày càng cao; kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông, vận tải.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.