Video những cây cầu giúp giảm ùn tắc cầu Thanh Trì.
Liên quan đến việc cầu Thanh Trì ùn tắc, tai nạn liên miên, theo Sở GTVT Hà Nội, hiện lưu lượng qua cầu đã lên đến hơn 120.000 xe/ngày đêm. Lưu lượng này vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (15.000 xe/ngày đêm).
Như vậy với lượng phương tiện giao thông tăng vượt nhiều lần so với thiết kế ban đầu thì việc cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra ùn tắc là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, theo Sở GTVT Hà Nội, với mật độ giao thông cao, cầu Thanh Trì trong quá trình khai thác xuất hiện nhiều hư hỏng.
Nhiều tài xế khi trao đổi với chúng tôi cũng cho biết về tình trạng này. Việc hư hỏng khiến phương tiện di chuyển chậm cũng như dễ xảy ra tai nạn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc.
Bên cạnh đó, cầu Thanh Trì nằm trên đường Vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều đi qua cây cầu này; hầu hết các tuyến xe khách đều đi qua Vành đai 3 và phần lớn qua cầu Thanh Trì.
Một nguyên nhân khác, theo ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược phát triển GTVT cho rằng, việc cầu Thanh Trì và một số cầu vượt sông trên địa bàn Hà Nội mãn tải là do việc đầu tư phát triển các khu đô thị, phân luồng kết nối các tuyến của các trục vành đai chưa đồng bộ, dẫn đến xảy ra ùn tắc.
Liên quan đến việc cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc, quá tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng GTVT cho biết nguyên nhân do Hà Nội chưa xây dựng đủ cầu theo qui hoạch.
Theo ông Đông, điều này khiến phương tiện dồn vào một số cầu đã xây dựng. Trong khi đó, cầu Thanh Trì nằm trên đường vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều đi qua cây cầu này.
Ngoài ra, vị này cho biết Hà Nội có qui hoạch đường Vành đai 4, 5 nhưng chưa thực hiện được khiến phương tiện dồn lên các tuyến hiện hữu như Vành đai 3.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, nhằm giảm tải cho cầu Thanh Trì, nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phóng với Vành đai 3 đang được hoàn thiện.
Khi hoàn thiện, phương tiện từ nút giao này có thể đi thẳng về đường Cổ Linh hướng về cầu Vĩnh Tuy.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, cầu Thanh Trì cũng như một số cây cầu khác của Thủ đô Hà Nội ùn tắc do nhiều cây cầu theo qui hoạch chưa xây dựng. Điều này khiến các phương tiện dồn về những cây cầu đã có.
Theo tìm hiểu theo qui hoạch, Hà Nội sẽ có cầu Trần Hưng Đạo. Đây là cây cầu nối thẳng với đường Cổ Linh. Như vậy, nếu cầu được xây dựng và nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3 hoàn thiện thì phương tiện sẽ có thêm con đường kết nối với nội đô.
Ngoài cầu Trần Hưng Đạo, theo qui hoạch, Hà Nội có cầu Ngọc Hồi nối Vành đai 3,5. Hiện tại, Vành đai 3,5 đang là tuyến đường trọng điểm (đang xây dựng đoạn qua Hoài Đức và hoàn thiện một phần qua Hà Đông) nhằm giảm tải cho Vành đai 3.
Như vậy, với cầu Ngọc Hồi, phương tiện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có thể di chuyển qua Vành đai 3,5 để đi Hưng Yên thay vì đi qua cầu Thanh Trì như hiện tại.