ILO: Covid-19 xóa sổ 81 triệu việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương

81 triệu công việc là mức tổn thất mà thị trường lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chịu trước đại dịch Covid-19.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong báo cáo, ILO cho rằng mức sụt giảm giờ làm khổng lồ do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

COVID-19 xóa sổ 81 triệu việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương, dự báo hàng triệu người có việc vẫn nghèo - Ảnh 1.

(Ảnh: ILO).

Báo cáo ước tính khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020 đã bị xóa sổ bởi tác động của đại dịch. Ở gần như tất cả các nền kinh tế có dữ liệu năm 2020, số việc làm đều giảm so với năm 2019.

Tác động của cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng, với tình trạng thiếu việc làm tăng cao khi hàng triệu công nhân bị yêu cầu giảm giờ làm việc hoặc không làm giờ nào. Nhìn chung, thời gian làm việc ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương ước tính giảm 15,2% trong quý II và giảm 10,7% trong quý III năm 2020, so với mức trước khủng hoảng.

Sử dụng dữ liệu hàng quý có sẵn, báo cáo ước tính sơ bộ rằng tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực có thể tăng từ 4,4% vào năm 2019 lên khoảng 5,2% đến 5,7% vào năm 2020.

Việc cắt giảm giờ làm khiến người lao động được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình giảm. Thu nhập từ việc làm ước tính đã giảm 10% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ba quý đầu năm 2020, tương đương với mức giảm 3% trong GDP.

Một hệ quả nữa là sự gia tăng mức độ nghèo cả ở những người đang có việc làm. Tính con số tuyệt đối, ILO dự kiến sẽ có thêm 22 - 25 triệu người có thể rơi vào tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo (người có thu nhập dưới 1,90 USD một ngày), khiến tổng số người này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên mức 94 - 98 triệu người vào năm 2020.

Bà Chihoko Asada Miyakawa, Phó tổng giám đốc ILO nói: "Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường lao động của khu vực, một khu vực mà không nhiều chính phủ có khả năng giải quyết. Mức độ bao phủ an sinh xã hội thấp và năng lực thể chế hạn chế ở nhiều quốc gia đã gây khó khăn cho việc giúp các doanh nghiệp và người lao động đứng vững trên đôi chân của mình. Tình hình càng trở nên phức tạp khi một số lượng lớn người lao động vẫn làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.