Điều này làm gia làm tăng nguy cơ phục hồi không đồng đều diễn ra trên toàn thế giới. Trong bài phát biểu trước cuộc họp mùa Xuân hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Kristalina Georgieva cho biết thể chế tài chính này hồi tháng 1/2021 dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 5,5% vào năm 2021.
Tuy nhiên, hiện IMF kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ mạnh hơn nữa và số liệu dự báo cập nhật chính thức về kinh tế thế giới sẽ được đưa ra trong tuần tới.
Các yếu tố chính thúc đẩy việc cải thiện triển vọng sắp được công bố bao gồm việc Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden và chương trình vaccine ngừa Covid-19 được triển khai ngày càng rộng rãi, nhất là ở các nền kinh tế lớn.
Bà Georgieva cũng ca ngợi "nỗ lực phi thường" của các nhân viên ngành y tế toàn cầu, bao gồm các bác sĩ, y tá và các nhà phát triển vaccine. Người đúng đầu IMF nhấn mạnh, các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trên toàn thế giới, với khoảng 16.000 tỷ USD hỗ trợ tài chính và việc bơm tiền mạnh tay của các ngân hàng trung ương nhằm ngăn chặn thảm họa hoàn toàn.
Theo bà, nếu không có những biện pháp này, mức suy giảm kinh tế toàn cầu ở mức 3,5% vào năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Tuy nhiên, IMF hiện đang nhận thấy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được cải thiện, hỗ trợ bởi hai động lực chính là Mỹ và Trung Quốc. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này là một phần trong số ít các quốc gia sẽ có mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 vượt xa thời kỳ trước khủng hoảng.
Bà Georgieva cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn phụ thuộc lớn vào diễn biến của đại dịch, hiện được định hình bởi sự tiến triển không đồng đều trong chương trình tiêm chủng và các chủng virus mới đang kìm hãm triển vọng tăng trưởng của nhiều khu vực, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ Latinh.
Nhật Bản được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 3,1% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ ước đạt 5,1%. IMF dự báo kinh tế các nước châu Âu sẽ phục hồi muộn hơn một quý so với Mỹ, trong khi những thị trường mới nổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bà Georgieva gạt bỏ lo ngại về khả năng lạm phát không kiểm soát được ở Mỹ do các gói kích thích khổng lồ, và ước tính rằng lạm phát của nước này sẽ vào khoảng 2,25% vào năm 2022.