John McCain trong mắt người từng cầm dao bắt sống ông ở hồ Trúc Bạch

"Tôi rất buồn. Tôi luôn muốn gặp lại ông ấy vì đó là một dấu mốc trong đời tôi", ông Lê Trần Lụa nói khi nghe tin ông John McCain qua đời.  
john mccain trong mat nguoi tung cam dao bat song ong o ho truc bach

Ông Lê Trần Lụa, người đã kéo ông John McCain lên từ hồ Trúc Bạch sau khi nhảy dù khỏi máy bay bị bắn rơi năm 1967. (Ảnh: CNN)

Lần đầu tiên ông Lê Trần Lụa đưa mắt nhìn John McCain, ông đã rất muốn giết phi công hải quân Mỹ. "Với một con dao trong tay, tôi đã định đâm ông ấy. Nhưng mọi người gần đó hét lên bảo tôi dừng lại", ông Lụa kể.

Bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau cuộc chạm mặt đầu tiên đầy kịch tính đó, ông Lụa tiếc thương cho ông McCain, người vừa qua đời hôm 25/8.

"Tôi rất buồn", ông nói với CNN khi kẻ địch năm xưa ra đi. "Tôi luôn muốn gặp lại ông ấy vì đó là một dấu mốc trong đời tôi".

Ông Lụa làm nghề viết thư pháp ở các ngôi chùa tại Hà Nội. Người đàn ông 68 tuổi, dáng gầy gò với mái tóc dài buộc sau gáy, nhấp một ngụm cafe rồi hồi tưởng về buổi chiều năm đó, khi ông phát hiện ra McCain.

Đó là ngày 26/10/1967, thiếu tá McCain, một phi công của Hải quân Mỹ, đang điều khiển máy bay ném bom vào một nhà máy điện ở miền Bắc Việt Nam thì chiếc Douglas A-4 Skyhawk của ông trúng tên lửa đất đối không. Ông kịp nhảy dù khỏi chiếc máy bay.

Ông Lụa, khi đó mới 17 tuổi, là thợ cơ khí tại một nhà máy giấy. Ông đang trốn trong hầm tránh bom thì thoáng thấy chiếc dù của McCain.

"Tôi ngay lập tức chạy vào bếp, với lấy con dao", ông Lụa kể. "Tôi nghĩ đó là một kẻ xâm nhập định phá hoại nhà máy và thành phố của chúng tôi".

Ông McCain đáp xuống hồ Trúc Bạch ở trung tâm Hà Nội. Ông Lụa liền bơi thẳng ra chỗ phi công Mỹ. "Tôi ngay lập tức túm lấy tóc ông ấy. Tôi không biết nói tiếng Anh, vì thế tôi hét lên bằng tiếng Pháp 'haut le mains!', nghĩa là 'giơ tay lên!'".

Với ông Lụa, việc bắt sống phi công của địch là một trong những thành tích đáng tự hào nhất trong đời. Còn với McCain, đây là khởi đầu cho quãng thời gian trở thành tù binh chiến tranh kéo dài hơn 5 năm sau đó.

Hoa dành cho kẻ thù

john mccain trong mat nguoi tung cam dao bat song ong o ho truc bach

Một người dân đặt hoa viếng ông McCain tại bức tượng bên hồ Trúc Bạch. (Ảnh: Ngọc Thành)

Bên hồ Trúc Bạch ngày nay có một bức tượng nhỏ tôn vinh chiến công bắn hạ máy bay của McCain năm xưa. "Quân và dân thủ đô Hà Nội đã bắt sống phi công John Sidney McCain", dòng chữ trên tượng viết. "Đây là một trong 10 máy bay bị bắn hạ cùng ngày".

Tuy nhiên, sau khi ông McCain qua đời, bức tượng trở thành một đài tưởng niệm, nơi những người yêu quý ông đến đặt hoa và nến.

"Chúng tôi không phải người Mỹ", một du khách Nam Phi nói, chụp ảnh bên cạnh bức tượng cùng vợ. "Nhưng chúng tôi kính trọng ông ấy".

Sau khi bị bắt, McCain được đưa tới nhà tù Hỏa Lò, nơi các tù binh Mỹ đặt biệt danh là "Hilton Hà Nội".

"Tôi lần đầu gặp John McCain là vào năm 1967", ông Trần Trọng Duyệt, cựu trại trưởng trại tù binh Hỏa Lò từ năm 1968 -1973, nhớ lại.

"Ông ấy rất quyết liệt và cứng rắn. Ông ấy trung thành với lý tưởng của mình".

Ngày nay, Hỏa Lò trở thành một bảo tàng, thu hút các du khách trẻ. Những bức ảnh đen trắng được trưng bày tại đây cho thấy ông Duyệt đang phát biểu trước các hàng tù binh Mỹ, ngay trước khi họ được phóng thích vào mùa đông 1973 theo Hiệp ước Hòa bình Paris. McCain nằm trong số những tù binh được trao trả năm đó.

Ông Duyệt bác bỏ thông tin cho rằng McCain và các tù binh chiến tranh khác đã bị ngược đãi trong thời gian giam giữ:

"Nếu chúng tôi tra tấn ông ấy, sẽ không thể có hình ảnh McCain trở về Việt Nam nhiều lần như thế và vực dậy mối quan hệ Việt - Mỹ".

Hiện đã 85 tuổi và nghỉ hưu, ông Duyệt bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của cựu tù binh, một thượng nghị sĩ đóng góp cho việc tái thiết mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

"Nếu gặp ông ấy giờ này, tôi sẽ chúc ông ấy khỏe mạnh như một người bạn tốt thường làm", ông Duyệt nói. "Xin gửi lời chia buồn sâu sắc của tôi đến gia đình và vợ ông ấy. Tôi mong được gặp gia đình và vợ của ông ấy ở Việt Nam".

john mccain trong mat nguoi tung cam dao bat song ong o ho truc bach

Ông Trần Trọng Duyệt tại nhà tù Hỏa Lò, nay đã trở thành bảo tàng. (Ảnh: CNN)

Trong ba ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mở cửa cho công chúng vào viếng ông McCain. Trong số những người Việt đến đây có kế toán viên 35 tuổi Vũ Ngọc Sơn. Anh làm dấu thánh giá và cúi đầu trước chân dung của ông McCain.

"Cảm ơn ngài rất nhiều thượng nghị sĩ John McCain", anh viết trong sổ chia buồn. "Xin hãy giúp đỡ và tiếp tục ủng hộ cho Mỹ và Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và hạnh phúc hơn".

Năm 1995, ông McCain đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Bill Clinton về tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng từ một binh lính, sau đó là người kiến tạo hòa bình, ông McCain đã đóng một vai trò trung tâm trong việc gây dựng mối quan hệ phi thường giữa hai quốc gia cựu thù.

"Thật kỳ diệu khi nhìn lại những thập kỷ mà chúng ta đã đi qua", ông nói. "Từ những trải nghiệm chiến tranh, trải nghiệm của thượng nghị sĩ McCain và những gì chúng ta có ở đây ban đầu, đến ngày hôm nay, chúng ta đang nói về một quan hệ đối tác và tình hữu nghị".

Dấu ấn không thể xòa nhòa của ông McCain ở Việt Nam có thể được nhìn thấy trên những bức tường của nhà tù nơi ông từng bị giam giữ. Bên cạnh những bức ảnh chụp ông khi còn là một tù binh chiến tranh thương tật, có một bức ảnh McCain đang mỉm cười khi về thăm nhà tù vào năm 2000.

Ông thường xuyên ghé "Hilton Hà Nội" trong hơn 20 chuyến thăm Việt Nam. Ở một trong các chuyến thăm này, cựu tù binh đã để lại lời nhắn trong cuốn sổ khách của bảo tàng.

"Chúc những điều tốt đẹp nhất, John McCain - thượng nghị sĩ Mỹ tại Arizona", ông viết.

john mccain trong mat nguoi tung cam dao bat song ong o ho truc bach Người dân Arizona xếp hàng dài tiễn biệt Thượng nghị sĩ McCain

Ngày 29/8, gia đình Thượng nghị sĩ John McCain cùng hơn 1.000 người dân tại Arizona đã tới viếng linh cữu vị thượng nghị sĩ.

john mccain trong mat nguoi tung cam dao bat song ong o ho truc bach Thượng nghị sĩ John McCain và ba lần xin thuốc lá nhà văn Nguyễn Tuân

Năm 1967, khi ông John McCain bị bắt và được điều trị tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân đã tới phỏng vấn, trò chuyện ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.