Kế hoạch di dời hơn 500 hộ dân khỏi khu vực bảo vệ di tích Kinh thành Huế giờ thế nào?

Theo Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm năm 2019 về việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Kinh thành Huế, trong năm 2019, sẽ hoàn thành di dời cho 523 hộ dân. Vậy, hiện nay, tiến độ của kế hoạch này đang được thực hiện thế nào?

Đang xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà đất

Theo tìm hiểu, việc di dời 523 hộ dân ở khu vực Thượng thành là bước đi đầu tiên của đề án di dời 4.200 hộ dân với hơn 15.000 người ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế. Đây được xem là công cuộc di dời dân cư lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

1

Những ngôi nhà tạm bợ trên khu vực Thượng thành. (Ảnh: Khải Tuấn).

Đề án nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 15.000 người dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích Kinh thành Huế. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, vào ngày 12/3, UBND TP Huế ban hành Thông báo thu hồi đất số 47/TB-UBND.

Quá trình triển khai, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương các phường Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành và Tây Lộc hoàn thành công tác kiểm kê, kê khai nguồn gốc sử dụng đất đối với các hộ có đất bị thu hồi và toàn bộ tài sản của các hộ bị ảnh hưởng trong tháng 4/2019. Hiện nay, đã hoàn thành công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho các hộ dân.

Về công tác xác nhận hồ sơ, đến ngày 8/7, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố nhận được 228/254 hồ sơ (đạt 89,8%). Trung tâm này đã tổng hợp chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định điều kiện bồi thường về đất 228 hồ sơ.

Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường đang rà soát hồ sơ, phối hợp với UBND các phường làm việc liên quan đến nội dung xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà đất để thực hiện thẩm định điều kiện bồi thường về đất theo qui định.

Việc xác nhận hồ sơ và thẩm định điều kiện bồi thường về đất đòi hỏi phải cẩn thận, đúng đối tượng, do các hộ tại khu vực Thượng thành phần lớn không có giấy tờ chứng minh thời điểm sử dụng đất nên cần có thời gian để thực hiện việc thẩm tra, xác minh và lấy ý kiến khu dân cư.

Trong khi đó, về hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, ngày 3/7, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1590/QĐ-UBND về việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Trong đó, phê duyệt đất phi nông nghiệp thuộc đường phố loại 5A: Hệ số 1,41; Đất phi nông nghiệp thuộc đường phố loại 5B: Hệ số 1,26; Đất nông nghiệp: Hệ số 1,0.

2

Nhà cửa của dân làm mất cảnh quan di tích. (Ảnh: Khải Tuấn).

Về công tác xác định vị trí đất, hiện nay, UBND TP Huế đang tiến hành phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện việc xác định vị trí đất của các hộ sử dụng đất ở, đất có nhà ở, do tại khu vực Thượng thành có nhiều trường hợp sử dụng đất phức tạp: Không có lối đi, lối đi bằng cầu thang, đi nhờ qua nhà người khác… nên việc xác định vị trí đất phải đảm bảo thống nhất, tránh khiếu nại của người dân.

Liên quan đến việc xác nhận hộ chính, hộ phụ, các đối tượng theo Khung chính sách, UBND TP Huế có Thông báo số 312/TB-UBND ngày 19/6/2019, trong đó đề nghị UBND các phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa và Tây Lộc xác nhận số hộ chính, hộ phụ và các đối tượng theo Khung chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10/12/2018 để làm cơ sở xem xét phương án bố trí tái định cư.

Sau khi có kết quả xác nhận của UBND các phường và kết quả thẩm định điều kiện bồi thường về đất của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố sẽ tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, niêm yết và lấy ý kiến của các hộ dân theo quy trình, thủ tục đã qui định.

Hiện nay, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo theo Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về Kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm năm 2019 về di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Kinh thành Huế.

Quá trình triển khai đến nay, các hộ dân phối hợp tốt với cơ quan, chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.

Đầu tư Khu tái định cư giai đoạn 1 và 2

Trước đó, vào ngày 13/7, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương liên quan tiến hành kiểm tra tiến độ dự án hạ tầng kĩ thuật khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế.

3

Cơ quan chức năng đang tập trung thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư khu tái định cư giai đoạn 1 và 2. (Ảnh: Khải Tuấn).

Tại đây, ông Thọ đánh giá cao nỗ lực của TP Huế, các Sở ngành và các đơn vị liên quan đã tích cực, tập trung thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư khu tái định cư giai đoạn 1 và 2.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Huế, Ban Quản lí dự án Đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư Khu tái định cư giai đoạn 1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tăng cường quản lí chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kĩ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mĩ quan và cảnh quan môi trường.

UBND TP Huế sớm công bố các thông số xây dựng về cốt nền, độ lùi và chiều cao công trình xây dựng để công khai; nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế xây dựng nhà ở phù hợp để người dân lựa chọn; hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử. Vì vậy, công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân.

Ông Thọ cho hay, trong đợt 1 giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo.

Dự kiến, trong tháng 9 tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thành khu tái định cư; trong tháng 10, sẽ thực hiện di dời 523 trong số hơn 4.200 hộ "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế.

Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng, có diện tích hơn 500 ha. Đây là Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Cho đến nay, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân sinh sống. Phần lớn, các hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mĩ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.