Những dự án bất động sản hơn nghìn tỉ đồng thi công 'rùa bò' ở Huế

Nhiều dự án bất động sản đang “đắp chiếu” ở những vị trí đắc địa của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chạy quanh TP Huế, không khó để nhận ra những dự án nằm trên "đất vàng" nhưng lại chậm tiến độ. Có thể kể đến như dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp ở đường Hà Nội; Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí và khách sạn Nguyễn Kim Huế ở đường Bà Triệu…

Theo quan sát, ở đường Hà Nội, dù nằm ở vị trí "đất vàng" của Huế, thế nhưng, sau khi khởi công đến nay, dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp vẫn đang bất động. Xung quanh được che kín bởi hàng rào tôn màu xanh, khóa cửa kín mít dù là ban ngày.

1

Khu vực dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp. (Ảnh: Khải Tuấn).

Trên những tấm tôn, những dòng chữ viết Graffiti hiện diện khắp nơi. Bên trong công trình này, cỏ mọc um tùm cạnh những bãi dợ hạ chất cao thành đống.

Theo tìm hiểu, 9 năm trước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá chuyển nhượng khu "đất vàng" này với diện tích đất sử dụng trên 3.457 m2, tổng số vốn đầu tư hơn 215 tỉ đồng.

Thế nhưng, từ đó đến nay, công trình chỉ là bãi đất trống trơn. Hiện giờ, dự án mới hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và tổ chức động thổ vào đầu năm 2019.

Theo Sở KH&ĐT Thừa Thiên - Huế, nguyên nhân chậm tiến độ là do sau khi trúng đấu giá, Chính phủ có chủ trương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dừng đầu tư ngoài ngành.

2

Bên trong dự án này là những bãi cỏ, xà bần, rác thải. (Ảnh: Khải Tuấn).

Ngoài cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư đang trình Sở Xây dựng thẩm định thiết kế bản vẽ thi công để cấp phép xây dựng. Vào năm 2019, dự án đã được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam bố trí vốn 21 tỉ đồng. Căn cứ cam kết trên, Sở KH&ĐT đang tiếp tục giám sát, đôn đốc tiến độ dự án.

Cũng nằm trên "đất vàng" của Huế, tại Khu du lịch - Thương mại Hùng Vương (phường Phú Hội, TP Huế), dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí và khách sạn Nguyễn Kim Huế đến nay vẫn đang nằm im đìm, chưa được khởi động. Bên trong công trình này, cỏ mọc um tùm giữa bãi đất trống…

Dự án này do Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Diện tích đất sử dụng trên 6.000 m2, với tổng số vốn đầu tư trên 811 tỉ đồng.

Vào năm 2015, dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư và Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất năm 2018.

7

Khu vực dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí và khách sạn Nguyễn Kim Huế. (Ảnh: Khải Tuấn).

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư đã tiến hành hoàn thành công tác san gạt mặt bằng chuẩn bị thi công, xây dựng hàng rào, nhà bảo vệ, nhà điều hành dự án, vận hành, rà phá bom mìn tại dự án…

Theo Sở KH&ĐT, dự án này đã chậm tiến độ so với cam kết và Thanh tra Sở KH&ĐT đã tiến hành xử phạt 20 triệu đồng. Hiện tại, dự án đã sẵn sàng ép cọc đại trà giai đoạn 1 phục vụ xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí.

Tương tự, nằm tại đường Nguyễn Chí Diểu (phường Thuận Thành), dự án Khu nghỉ dưỡng Nama do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 196 tỉ đồng cũng chậm tiến độ so với cam kết.

Nguyên nhân là do đến cuối năm 2018, các hộ dân mới chính thức bàn giao mặt bằng giải tỏa cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế. Đến nay, nhà đầu tư cơ bản hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng và công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án chậm tiến độ nằm ở đất vàng. (Video: Khải Tuấn).

Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn chỉnh thủ tục xin giãn tiến độ thực hiện, đồng thời, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành rà soát các thủ tục pháp lý về đất đai để đầu tư xây dựng theo đúng quy định.

Được biết, đối với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất rà soát, bổ sung danh mục dự án cần rà soát thu hồi, danh mục dự án giám sát đặc biệt.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.