Hôm 22/9, gia tộc Mistry tuyên bố đã đến lúc họ rời khởi tập đoàn Tata, theo giới truyền thông, đưa mối quan hệ kéo dài 70 năm tới kết cục cay đắng.
Pallonji Mistry, vị tỉ phú 91 tuổi với khối tài sản ròng 11,4 tỉ USD, điều hành tập đoàn Shapoorji Pallonji (SP). Với tuổi đời 155 năm và trụ sở ở thành phố Mumbai, SP kinh doanh mảng cơ khí và xây dựng.
Tài sản lớn nhất của Pallonji Mistry và gia tộc là 18,4% cổ phần Tata Sons, tập đoàn mẹ của hãng xe Tata. Gồm 30 công ty trực thuộc, Tata đạt doanh thu 113 tỉ USD trong năm ngoái, theo Forbes.
Trong một tuyên bố hôm 22/9, tập đoàn SP tiết lộ: "Dù đau đớn, gia tộc Mistry vẫn phải tin rằng tách rời lợi ích sẽ là cách tốt nhất đối với lợi ích của các cổ đông Tata Sons".
Động thái mới nhất của gia tộc Mistry đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến giữa hai gia tộc kiểm soát tập đoàn Tata Sons. Cuộc chiến bắt đầu khi hội đồng quản trị Tata Sons bất ngờ đẩy Cyrus Mistry, con trai của tỉ phú Pallonji Mistry, ra khỏi ghế chủ tịch hồi tháng 10/2016.
Hội đồng quản trị Tata Sons bầu cựu chủ tịch Ratan Tata làm chủ tịch lâm thời trước khi họ đưa Natarajan Chandrasekaran, giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ tư vấn Tata, lên vị trí đó. Các thành viên trong hội đồng quản trị đánh giá cao năng lực của Natarajan.
Quyết định lật đổ Cyprus là cú sốc đối với nhiều người trong giới doanh nghiệp Ấn Độ, bởi ông là thành viên của gia tộc nắm cổ phần đa số trong Tata Sons. Hơn nữa, hai gia tộc Mistry và Tata còn gắn kết bằng quan hệ hôn nhân. Con gái của tỉ phú Pallonji Mistry kết hôn với Noel Tata, em trai cùng cha khác mẹ của cựu chủ tịch Ratan Tata.
Sau khi mất chức đột ngột, Cyprus công bố hàng loạt sai phạm trong tập đoàn. Từng nổi tiếng với những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe, danh tiếng của Tata bỗng chốc hoen ố sau cuộc lật đổ trong hội đồng quản trị khi gia tộc Mistry phát động chiến dịch tấn công bằng ngôn từ.
Cuộc chiến trong hội đồng quản trị Tata Group đã đẩy các bên ra tòa án. Nhưng trong khi cuộc chiến chưa phân thắng bại, quyết định của gia tộc Mistry có thể sẽ đưa nó tới hồi kết. Chỉ vài giờ sau khi tập đoàn Tata Group thông báo với tòa án rằng họ sẵn sàng mua lại cổ phần của gia tộc Mistry, tập đoàn SP tuyên bố gia tộc Mistry sẽ bán cổ phần.
Gia tộc Mistry từng muốn bán cổ phần trong tập đoàn Tata Sons để trả những khoản nợ lớn của tập đoàn SP. Song Tata Group cản trở nỗ lực của họ, đồng thời khẳng định gia tộc Tata là đối tượng đầu tiên có quyền mua cổ phần của gia tộc Mistry.
Ra đời từ năm 1868, Tata Sons là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và lâu đời nhất tại Ấn Độ. Tập đoàn kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực từ thép, ô tô và xe tải, hóa chất đến tư vấn công nghệ thông tin, bán lẻ và khách sạn.
Hoạt động theo hình thức phân quyền, Tata Sons trao cho các công ty thành viên quyền tự chủ lớn về mặt chiến lược và hoạt động. Công cụ chủ yếu để gắn kết toàn tập đoàn là thương hiệu tập đoàn Tata.
Không phải mọi các công ty thuộc tập đoàn đều sử dụng thương hiệu tập đoàn theo cách giống nhau. Một số bộ phận như Công ty Nước giải khát Tata và Công ty Ô tô Tata sử dụng tên và logo chung một cách rõ ràng. Mặc dù vậy, ngay tại Ấn Độ, vài công ty thuộc tập đoàn, như khách sạn Trent và Taj, nhưng không hề sử dụng tên Tata. Thậm chí khách sạn Taj còn có thương hiệu riêng.
Ban lãnh đạo Tata Sons coi sự khác biệt trong sử dụng thương hiệu không quan trọng bằng việc tôn trọng những giá trị của tập đoàn.