Theo đó, để đảm bảo nguồn cát phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh hoàn thành các thủ tục bố trí, phân bổ nguồn cát cho các dự án cao tốc trọng điểm.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang khối lượng 9,321 triệu m3 cát; dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khối lượng 7,5 triệu m3; dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau với khối lượng 6,59 triệu m3 (đã phân bổ 0,41 triệu m3).
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không để phát sinh lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố được hỗ trợ nguồn cát và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhằm đảm bảo quá trình khai thác, sử dụng nguồn cát minh bạch, đúng trữ lượng, không gây thất thoát, không để việc sử dụng tài nguyên không đúng mục đích. Thời gian hoàn thành trước ngày 20/10/2023.
UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác cát, nạo vét thu hồi khoáng sản cát sông mà nguồn cát được xác định, khoanh định để cung cấp cho các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, phải thực hiện nghiêm việc cung cấp đảm bảo đúng theo công suất được phê duyệt và tiến độ thi công công trình, dự án. Đồng thời chấn chỉnh ngay tình trạng các đơn vị khai thác cát, nạo vét thu hồi khoáng sản cát sông không hợp tác, "găm hàng", gây khó khăn cho nhà thầu thi công, đơn vị tiếp nhận cát...
Song song đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh yêu cầu đơn vị vận chuyển nguồn cát phải cung cấp số hiệu từng phương tiện sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị trên phương tiện, có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát. Định kỳ hàng tháng phối hợp với Cục Thuế tỉnh, chủ đầu tư các dự án được phân bổ nguồn cát và các đơn vị có liên quan đối chiếu, kiểm kê nguồn cát đã khai thác, cung cấp cho công trình, dự án nhằm đảm bảo đúng khối lượng, đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài…
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường và cảnh sát kinh tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không đúng quy định; kiểm soát được nguồn vật liệu xây dựng vận chuyển qua địa bàn tỉnh như: hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, khối lượng và cung cấp cho công trình, dự án nào...
Đối với Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức được phép hoạt động khai thác khoáng sản cát sông. Trong số đó, tập trung kiểm tra về độ sâu, trữ lượng mỏ, việc bố trí số lượng phương tiện khai thác, dung tích (thể tích) của gàu cạp cát gắn trên phương tiện khai thác; hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác; việc cung cấp, vận chuyển, tiếp nhận nguồn cát cung cấp cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước…; không để xảy ra tình trạng lợi dụng bán ra ngoài thị trường...
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị liên quan trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản cát sông không phép, trái phép; thực hiện thống kê, yêu cầu chủ phương tiện có lắp đặt thiết bị bơm hút cát tự tháo dỡ; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không phép kéo dài trên địa bàn quản lý.