Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ

Dịch Covid -19 khiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tại Nha Trang – Khánh Hòa đóng cửa, hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp…

Bỗng dưng… mất việc

Sáng 24/3, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, nhiều người đến đây làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp cho biết hầu hết đều hoạt động trong lãnh vực liên quan đến du lịch.

Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ - Ảnh 1.

Những ngày qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa luôn có rất đông người đến tìm việc và làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: Khải An)

Chị Nguyễn Thanh Xuân (26 tuổi) nhân viên văn phòng 1 khách sạn 3 sao tại TP Nha Trang kể, khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều khách sạn mất khách, khách sạn chị cũng nằm trong số đó nên buộc đóng cửa, nhân viên lần lượt nghỉ việc.

"Tôi làm trong ngành được 4 năm, mức lương 8 triệu đồng/tháng chưa tính tiền thưởng. Khi công việc đang phát triển thì dịch bùng phát, tất cả nhân viên phải nghỉ vì không có khách.

Nhiều ngày qua, tôi gửi hồ sơ tìm việc làm nhiều nơi nhưng không ai tuyển nên tôi phải làm trợ cấp thất nghiệp để hưởng chế độ và hy vọng được giới thiệu việc làm phù hợp", chị Xuân chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với chị Xuân, anh Toàn – Quản lí một nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc trên đường Trần Phú cho biết mức lương quản lí của anh khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng đã thất nghiệp hơn 2 tháng qua.

Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ - Ảnh 2.

Người lao động làm hồ sơ để nhận chế độ thất nghiệp. (Ảnh: Khải An)

"Trung Quốc là nước bùng phát dịch bệnh đầu tiên nên các nhà hàng, khách sạn phục vụ nhóm khách này bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề nhất. Tôi đã mất việc hơn 2 tháng, tìm việc làm mới không có nên phải đi làm trợ cấp thất nghiệp. Không biết sắp tới sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại", Toàn chia sẻ.

Toàn kể, do chưa có gia đình nên cuộc sống đỡ vất vả, nhiều cấp dưới của anh phải lo cho con cái nên khó khăn rất nhiều khi mất việc nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới.

"Ngày trước, khi du lịch phát triển, các nhà hàng, khách sạn tuyển người cực khó nhưng giờ mọi chuyện đã khác, muốn tìm công việc đơn giản cũng không ra chứ mong gì tìm đúng việc đúng chuyên môn", Toàn chia sẻ.

Nhiều người lao động cho biết, khi mất việc đã cố gắng ở lại Nha Trang tìm cơ hội mới nhưng "phá sản", trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà và các khoản chi tiêu khác nên cuộc sống rất chật vật.

Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ - Ảnh 3.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa mướt mồ hôi tư vấn việc làm và giải quyết hồ sơ. (Ảnh: Khải An)

"Hai vợ chồng tôi cùng làm trong ngành du lịch, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, đang tích cóp để mua nhà thì dịch bệnh bùng phát phải nghỉ việc. Đi xin việc việc bưng bê cũng không ai có nhu cầu tuyển.

Chúng tôi dự định trả nhà trọ để về quê ở Vạn Ninh - Khánh Hòa sống tạm vì chi phí sinh hoạt và tiền thuê trọ tại Nha Trang khá đắt nên không trụ nổi", chị Tuyết – một nhân viên từng làm việc tại khách sạn 5 sao cho biết.

Nhu cầu tuyển lao động không cao

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về số người lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, qua tiếp nhận xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.600 người đăng .

Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 120 hồ sơ đăng kí xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng khu vực TP Nha Trang là 90 hồ sơ/ngày. (Ảnh: Khải An)

Riêng từ đầu tháng 3 đến nay đã có hơn 1.800 hồ sơ đăng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn người lao động đăng hưởng trợ cấp làm ở các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, đây chỉ là con số các lao động chính thức thôi việc, trong khi nhiều khách sạn, cửa hàng, khu du lịch đang thực hiện chính sách tạm ngừng hoạt động hoặc cho nhân viên làm theo ca để giữ chân nhân viên.

Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động thời vụ, tự do cũng bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập khiến cuộc sống rơi vào khó khăn.

Theo những người làm trong ngành du lịch, sắp tới một số khách sạn, khu du lịch sẽ đóng cửa vì nguồn khách Nga không còn, số lao động thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dịch bệnh Covid-19 cũng khiến thị trường tuyển dụng lao động trở nên trầm lắng khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn.

Khánh Hòa: Hàng nghìn lao động mất việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm mướt mồ hôi giải quyết hồ sơ - Ảnh 5.

Số người thất nghiệp tăng cao nhưng vô cùng khó khăn để tìm được việc làm mới. (Ảnh: Khải An)

Nhiều người lao động cho biết, hơn tháng qua đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không tìm được việc, thậm chí là những việc phổ thông như bưng bê, tạp vụ ở các quán cà phê.

Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 120 hồ sơ đăng kí xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng khu vực TP Nha Trang là 90 hồ sơ/ngày.

"Trước dịch, mỗi ngày toàn tỉnh tiếp nhận hơn 30 hồ sơ nhưng hiện nay con số này đã tăng nhiều. Nhân viên Trung tâm gần như làm việc không nghỉ để sớm giải quyết chế độ cho người lao động. Thâm chí nhiều em nhịn đi vệ sinh để giải quyết, tư vấn hồ sơ cho người lao động", ông Khả chia sẻ.

Cũng theo ông Khả, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khá trầm lắng. Một số doanh nghiệp dệt may, chế biến thủy sản, dịch vụ chuyển phát hàng có nhu cầu tuyển dụng nhưng số lượng khá hạn chế.

"Hiện có khoảng 55 doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng với khoảng 850 lao động nhưng nhu cầu nhà tuyển dụng và nhu cầu làm việc của người lao động không "khớp" nên lượng lao động tìm được việc làm mới chưa cao", ông Khả cho biết.

Ông Nguyễn Huy Hân – CEO VietAsia:

Hệ thống chúng tôi có dịch vụ lặn biển ngắm san hô và chương trình Du Ca Show với khoảng 240 nhân viên, khi dịch bệnh bùng phát tất cả phải đóng cửa.

Do nhân viên là diễn viên và thợ lặn chuyên nghiệp nên phải thường xuyên tập luyện, nếu nghỉ quá lâu họ sẽ mất nghề. Do đó, công ty thực hiện chính sách chi trả 50% tiền lương trong giai đoạn này đối với những người không lao động thường xuyên.

"Người thấp nhất ở công ty có mức lương 6 triệu người cao khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đối với một số anh em vẫn làm việc bình thường chúng tôi trả đủ lương. Riêng những anh em khác, chúng tôi giảm 50% lương để giữ chân nhân viên và tạo cơ hội để anh em duy trì chế độ luyện tập nếu không sẽ quên hoặc mất nghề.

Giai đoạn này chúng tôi cũng tranh thủ thực hiện các vở diễn mới và cải tạo, mở mới các điểm lặn biển", ông Hân chia sẻ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.