Đầu mùa dịch Covid-19, ngành du lịch mất đi nguồn khách Trung Quốc – đứng đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đã khiến hàng loạt khách sạn, nhà hàng lao đao.
Dịch bệnh tiếp tục bùng phát, ngành du lịch tiếp tục mất đi nguồn khách Hàn Quốc khi đất nước này xuất hiện ổ dịch từ TP Daegu.
Tại Khánh Hòa, khi hai nguồn khách đứng đầu và thứ 3 là Trung Quốc và Hàn Quốc bị tạm ngừng nhập cảnh đã xuất hiện tình trạng hàng loạt cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng.
Một số khách sạn chuyên phục vụ nhóm khách trên cũng rục rịch đóng cửa, giảm biên chế. Thậm chí nhiều khách sạn đã rao bán vì mất khách.
Mới đây, lệnh tạm ngừng nhập cảnh đối với khách nước ngoài bao gồm Nga, Belarus và Nhật như một "đòn đánh đau" vào những người làm du lịch. Dẫu tất cả đều biết rằng, vì sự an toàn của toàn dân nhưng những người làm trong ngành du lịch đều cảm thấy tiếc nuối và lo lắng khi khách Nga – nguồn khách đứng thứ 2 tại Khánh Hòa sẽ bị hạn chế nhập cảnh trong thời gian đến.
Những ngày qua, TP Nha Trang vẫn nhộn nhịp bởi khách Nga ken cứng các bãi tắm, thong dong mua sắm và dạo chơi trên các con phố. Với những người làm du lịch, khách Nga như "cứu cánh" trong mùa dịch.
Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 đã vượt quá dự đoán của các chuyên gia, các kịch bản ứng phó của ngành du lịch gần như "phá sản".
Giữa tháng 2, Tổng cục Du lịch đã đưa ra 3 kịch bản về tác động của dịch Covd-19 đối với du lịch của Việt Nam. Đến nay, kịch bản 1, dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 3, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4 đã phá sản.
Ở kịch bản thứ hai, ngành Du lịch dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6 dường như cũng không mấy khả thi khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu và Mỹ.
Nhiều người làm du lịch đang nghĩ đến kịch bản xấu nhất - kịch bản thứ ba mà Tổng cục Du lịch dự tính, đó là dịch Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất sau mùa hè 2020, các hoạt động du lịch đối với thị trường khách quốc tế đến đầu quý IV mới có thể trở lại.
Tuy nhiên, đến nay mọi thứ đều không chắc chắn khi các ca nhiễm vẫn tăng từng ngày. Ngay cả thị trường khách nội gần như mất hẳn, mọi người thực hiện lời kêu gọi "ở yên khi tổ quốc cần".
Với chủ trương đặt sự an toàn cho người dân và du khách lên hàng đầu, mới đây, Liên minh kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi xướng đã quyết định tạm ngưng các tour kích cầu du lịch nội địa từ ngày 19/3.
Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cũng tạm ngưng triển khai gói kích cầu dù đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và nguồn khách cạn dần, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động đóng cửa để giảm chi phí vận hành và nâng cấp dịch vụ, sản phẩm.
Ngay đầu dịch, khu du lịch Trăm trứng với các sản phẩm tắm bùn, tắm khoáng chuyên phục vụ khách Trung Quốc đã quyết định đóng của khi khách Trung Quốc bị tạm ngưng nhập cảnh vào Việt Nam.
Không lâu sau đó, nhiều khu du lịch khác cũng tuyên bố tạm ngừng hoạt động để cải tạo cảnh quang, đào tạo nhân viên, nâng cấp dịch vụ chờ bức phá khi mùa dịch kết thúc.
Cụ thể, 2 khu du lịch Đảo Hoa Lan và Đảo Khỉ của công ty CP du lịch Long Phú sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 25/3 đến cuối tháng 4 để cải tạo cảnh quan môi trường, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Tương tự, các điểm du lịch trong khu vực vịnh Nha Trang như KDL Hòn Tằm, Đảo Robinson, Vịnh San Hô, Bãi Tranh, Hòn Sỏi… cũng tạm ngừng hoạt động tập trung cải tạo cảnh quan để chuẩn bị cho mùa du lịch hè.
Theo những người làm du lịch tại Khánh Hòa, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, mùa du lịch hè gần như chỉ còn hy vọng ở thị trường khách nội địa.
Bên cạnh đó, sau khi quyết định tạm dừng việc tổ chức các tour kích cầu giai đoạn 1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết sẽ thực hiện giai đoạn 2 của chương trình kích cầu với việc hình thành những nhóm nhỏ, xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với tiêu chí an toàn để các doanh nghiệp du lịch hội viên tham gia.
Ông Trần Văn Phú - Trưởng Bến tàu Du lịch Cầu Đá cho biết, những ngày gần đây, bến tàu đón khoảng 400 khách du lịch đi tham quan các tour đảo, lượng khách này chỉ đạt hơn 10% so với thời điểm chưa có dịch.
"Ngày thường bến tàu đón khoảng 4.000 – 5.000 lượt khách đi tour. Riêng lễ Tết thường 5.000 – 6.000 người/ngày nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát chỉ còn khoảng 1.000 lượt/ngày. Mới đây là 4.00 lượt/ngày chủ yếu là khách Nga. Sắp tới khách Nga về hết không biết sẽ như thế nào", ông Phú chia sẻ.