Khi quyền lực ngự trị và giáo viên tự cho mình được quyền sai...

Trong những lúc nóng giận, người thầy đã vô tình tự biến mình thành một tấm gương xấu xí khi cho học sinh thấy rằng, có thể sử dụng quyền lực để khuất phục người khác, bất kể đúng-sai.
khi quyen luc ngu tri va giao vien tu cho minh duoc quyen sai
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, buồn rầu nhìn những gì mình vừa thu lại khi đề nghị học sinh viết ra những suy nghĩ, những vấn đề của mình với thầy cô. Đó chỉ là những ý kiến rất hời hợt, trong khi ông biết rằng các em đang có nhiều bức xúc.

Các em không dám nói, dù không cần phải ký tên. Ông muốn học sinh của mình chia sẻ nhiều hơn, nhưng điều đó không đơn giản. Sự im lặng đó không chỉ ở trường Lê Quý Đôn mà ở rất nhiều trường học khác, khi học sinh không dám lên tiếng trước những điều các em cảm thấy thầy cô chưa đúng.

“Đó có lẽ là do cách giáo dục áp đặt của chúng ta khiến học sinh không cởi mởi, không tự tin. Bên cạnh đó, có hiện tượng trù úm nên học sinh mất lòng tin vào thầy cô, nhà trường.

Chúng ta không dám chấp nhận sự đa dạng, ý kiến trái chiều, mà chỉ muốn áp đặt một chiều thôi,” thầy Bình chia sẻ. Chỉ riêng năm 2018 đã có liên tiếp các vụ bạo hành học sinh xảy ra ngay trong trường học, thậm chí với những hình thức khiến cả xã hội bàng hoàng, khi giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên ở Long An bắt học sinh quỳ suốt 45 phút, giáo viên ở Hà Nội bắt học sinh phải tát bạn, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt học sinh tự tát vào mặt mình đến 32 cái….

Đó là cách giáo viên ứng xử với học sinh tiểu học, những em nhỏ ít có khả năng tự vệ. Với học sinh lớn hơn, giáo viên không còn dùng bạo lực mà sử dụng công cụ khác: kỷ luật học đường.

Vụ việc ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ tiêu biểu, khi không chỉ một giáo viên mà cả ban giám hiệu, hội đồng kỷ luật nhà trường thống nhất quyết định kỷ luật với 7 học sinh, trong đó có ba em bị đuổi học một năm, ba em bị đuổi học một tuần, một em bị cảnh cáo trước toàn trường, chỉ vì các em nói xấu giáo viên trên nhóm chat facebook mà giáo viên đã phát hiện ra nhờ… xâm phạm quyền riêng tư khi đọc tin nhắn trên điện thoại của các em. Và các em mới chỉ vi phạm lần đầu.

Trước áp lực của dư luận, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phải vào cuộc kiểm tra và kết luận việc kỷ luật học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi là nóng vội, thiếu thận trọng, không mang tính chất giáo dục đối với học sinh.

Nhà trường đã bỏ qua những bước cần thiết và cơ bản nhất, đưa ra quyết định kỷ luật đuổi học các em là quá nặng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của học sinh, gia đình và nhà trường, ảnh hưởng cả uy tín của ngành giáo dục. Sở đã yêu cầu trường thu hồi toàn bộ quyết định kỷ luật.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi sau đó đã phải giảm hình phạt, ba học sinh bị đuổi học một năm được giảm xuống một tuần, ba em bị đuổi học một tuần giảm xuống hình thức cảnh cáo, một học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường được giảm xuống còn khiển trách.

Nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn được điều chỉnh như vậy. Đã mấy chục năm trôi qua, thầy Nguyễn Quốc Bình vẫn không thôi áy náy khi đã đuổi học một học sinh, dù em này vi phạm những lỗi rất nặng, thường xuyên đánh nhau gây bất ổn trong trường.

“Chỉ sau một thời gian nghỉ học, em đó vi phạm nặng, phải đi tù. Tôi rất áy náy, giá mình kiên trì hơn, cố gắng hơn, cách xử lý khác đi thì có thể em đó không phạm lỗi lầm. Tôi không bao giờ đuổi học một học sinh nào nữa, có chăng chỉ là dọa các em,” thầy Bình xúc động chia sẻ.

Theo thầy Bình, trường hợp ở Thanh Hóa, rất may là nhà trường đã kịp sửa sai, bởi đuổi học sinh ra khỏi trường là một hình thức kỷ luật rất nặng nề. Các em sẽ chịu một tổn thương tâm lý rất lớn khi thấy mình bị loại ra khỏi cộng đồng của lứa tuổi mình – cộng đồng trường học, bị tước đi quyền được học tập. Điều đó cũng thể hiện sự bất lực, thậm chí có phần thiếu trách nhiệm của nhà trường.

Đó chỉ là số ít những vụ việc được phát hiện và công khai trên báo chí. Còn rất nhiều, rất nhiều những vụ việc giáo viên sử dụng bạo lực học đường với học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, từ xâm phạm thân thể đến bạo lực tinh thần, như việc một giáo viên không nói gì khi lên lớp trong suốt ba tháng trời.

Điều gì đã và đang xảy ra trong các nhà trường? Đó là lối giáo dục lạm dụng quyền lực khi ở đó, giáo viên, thậm chí cả ban giám hiệu, tự cho mình được quyền sai.

Giáo viên được quyền xâm phạm thân thể, nhân phẩm học sinh, xâm phạm quyền riêng tư của học sinh, bất chấp Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định “nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”; Điều 6 Luật Trẻ em nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em; Điều 69 Luật Giáo dục quy định các hành vi nhà giáo không được làm gồm “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”; Công ước về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên…

Trong những lúc nóng giận, người thầy quên đi nhiệm vụ lớn nhất của mình khi đứng trên bục giảng là giáo dục học sinh, trước hết là giáo dục các em trở thành công dân biết sống yêu thương, nhân ái, vị tha, biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Trong những lúc nóng giận, người thầy đã vô tình tự biến mình thành một tấm gương xấu xí khi cho học sinh thấy rằng, có thể sử dụng sức mạnh và quyền lực để khuất phục người khác, bất kể đúng-sai, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

khi quyen luc ngu tri va giao vien tu cho minh duoc quyen sai
Học sinh bị phạt đứng ngoài của lớp (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Học sinh sẽ học được gì, tính cách nào sẽ được hình thành trong các em ở môi trường giáo dục lạm dụng quyền lực đó? Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương Đảng đặt mục tiêu “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.”

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mục tiêu giáo dục phổ thông là rèn luyện 5 phẩm chất và 10 năng lực. Trong đó, 5 phẩm chất gồm yêu đất nước, yêu con người, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Trong 10 năng lực, có 7 năng lực chuyên môn: ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội; ba năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Ngành giáo dục khẳng định thực hiện đổi mới giáo dục chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ truyền thụ kiến thức một chiều sang hình thành phẩm chất, năng lực người học.

Tuy nhiên, nếu học sinh chỉ im lặng hay lén lút bày tỏ quan điểm với nhau về thầy cô trên nhóm chat facebook mà không dám phản ánh trực tiếp với giáo viên, nhà trường để việc dạy và học hiệu quả hơn thì trường đã giáo dục các em sự trung thực và trách nhiệm hay sự cam chịu?

Học sinh bị giáo viên bắt uống nước giẻ lau bảng vẫn phải chấp nhận uống và không dám nói với ai thì trường đã giáo dục các em sự tự chủ hay sự tự ty, nhẫn nhục hèn nhát? Nếu học sinh không dám phản biện thì liệu các em có phát triển được sự tự tin, sáng tạo, có dám nghĩ khác và làm khác?

Nếu học sinh nhìn thấy sự lạm dụng quyền lực bất chấp luật pháp ngay nơi thầy cô thì các em liệu có học được bài học về sự yêu thương, sự sẻ chia? Nếu học sinh đi học trong bức xúc, sợ sệt, thì liệu các em có thể học tập bằng tất cả sự say mê để phát huy được hết tiềm năng của bản thân? Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông FPT cho rằng, nghề giáo là một nghề rất khó, khi một người thầy phải dạy dỗ hàng chục học sinh, mỗi em một tính cách, và đều ở độ tuổi hình thành cái tôi cá nhân, nhiều khi rất nghịch và rất bướng.

Nghề giáo là một nghề rất khó vì mỗi học sinh là báu vật của mỗi gia đình, giáo viên sẽ phải chịu áp lực lớn từ phụ huynh. Nghề giáo là một nghề rất khó, vì có vai trò quyết định đến thế hệ tương lai đất nước, và vì thế được cả xã hội quan tâm, chăm sóc, thậm chí soi mói, một cách đặc biệt.

Nhưng cũng chính vì sự khó và đặc biệt ấy, nghề giáo đòi hỏi người thầy phải có tố chất phù hợp, đủ năng lực để chịu được các áp lực, đủ kiên nhẫn để kiềm chế, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, đủ thấu hiểu để cảm thông chia sẻ và bao dung với học trò, để hoàn thành nhiệm vụ trồng người.

“Nếu thấy mình không đủ tố chất thì hãy chuyển sang nghề khác, đừng mang các áp lực nghề nghiệp để ngụy biện cho hành vi sai trái, vì bất cứ nghề nào cũng có những áp lực riêng. Bởi bạo hành với học sinh, giáo dục lạm dụng quyền lực sẽ làm hỏng cả tương lai đất nước,” thầy Tùng nói./.

khi quyen luc ngu tri va giao vien tu cho minh duoc quyen sai Khiển trách cô giáo bắt học sinh tự tát 32 cái vào mặt vì nói chuyện trong lớp

Sau thời gian bị đình chỉ dạy do bị phụ huynh tố bắt học sinh tự tát vào mặt mình, Hội đồng kỷ luật Trường ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.