Sáng 21/7 tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt nội dung chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, được quy định tại Nghị quyết số 18 ngày 16/6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết này đã nêu rõ 5 quan điểm, khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Quan điểm này cụ thể hóa hơn so với Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, điển hình như việc quản lý, sử dụng đất đai phải đảm bảo lợi ích chung của toàn dân. Nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất đai công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững.
"Nghị quyết 18 có một số điểm mới so với Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI. Đó là về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thu hồi đất đai, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng. Đây là cơ sở và yêu cầu đối với việc thể chế hóa pháp luật về đất đai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 18 cũng nêu quan điểm Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia về diện tích và chất lượng. Có sự phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương; đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết nêu quan điểm xác định rất rõ quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Nghị quyết làm rõ hơn quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được xác định bảo hộ, người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Đối với đất đai do lịch sử để lại, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là quan điểm mới trong nghị quyết lần này. Thời gian qua, các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai của người dân một phần do chưa phân biệt được rõ quyền sử dụng, quyền sở hữu về đất đai, vì vậy Nghị quyết 18 đã làm rõ hơn là để giảm thiểu kiện cáo.
Quan điểm tiếp theo là thể chế, chính sách về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng khi cần thiết phải can thiệp bằng chủ trương, chính sách, pháp luật.
Một điểm mới nữa trong Nghị quyết là công tác quy hoạch đảm bảo tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực. Nghị quyết đã nhấn mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất từ tỉnh đến huyện, xã… Đây là những định hướng lớn với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch.
Quan điểm thứ 5 của Nghị quyết 18 là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quan điểm này tương đối bao trùm, trong đó điểm mới là Đảng chỉ đạo, lãnh đạo từ khâu xây dựng, tổ chức thực hiện đến khâu giám sát, nhân dân cùng tham gia giám sát.
Cũng tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích 5 quan điểm trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt tới hội nghị ba mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.