Theo Cục Xuất nhập khẩu xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 31%, lũ lụt tại nước này làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn đối với trái cây nói riêng và hàng rau quả nói chung.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhận định trong khi xuất khẩu rau, quả sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, thì các thị trường khác lại đón những tín hiệu rất tích cực.
Điển hình như thị trường Thái Lan tăng trưởng rất cao, tới hơn 230% so với cùng kì 2019 Theo đánh giá của giới chuyên môn, trái cây Việt Nam không thua kém Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng lại yếu hơn về sản xuất, chế biến và quảng bá tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ngay trong tháng 8, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia trong Liên minh châu Âu, đây cũng là thị trường chất lượng cao và có qui mô lớn nhất nhì trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhận định để xuất khẩu được vào khối thị trường châu Âu, ngành hàng rau quả của Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, học hỏi qui trình công nghệ nuôi trồng, xử lí, bảo quản, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, phải bảo đảm đạt được những tiêu chuẩn cao cấp của thị trường châu Âu.
EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi, chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau, quả toàn cầu. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU.
Bộ NN&PTNT nhận định đây sẽ là thế mạnh cho nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, qui mô rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau, quả cho người tiêu dùng bất kì lúc nào trong năm.
Tiềm năng xuất khẩu rau, quả của Việt Nam còn khá lớn, tuy nhiên, tuân thủ các qui định về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu là việc phải làm. Việc này mất nhiều công sức nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng về giá trị thu về.
Trong xuất khẩu rau, quả, vấn đề chỉ dẫn địa lí, nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu quan trọng. Đây là yêu cầu tiên quyết khi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới. Đáp ứng được điều này, rau, quả Việt Nam sẽ gia tăng giá trị hơn.
Đối với thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nước này vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang…
Bên cạnh đó, hàng năm doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản thường nhập khẩu lượng lớn trái cây như chuối, vải do người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng loại trái cây này. Đây cũng là những mặt hàng được nhận định có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Nhật.