Không ai mua nợ Gỗ Trường Thành tại DongA Bank

Áp lực trả nợ đang đè nặng lên vai của Gỗ Trường Thành khi các khoản nợ đang tới hạn trong năm nay trong khi phương án phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ tại DongA Bank lại không thể triển khai được.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) đã công bố một số tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, dự kiến họp ngày 27/4 tại Bình Dương.

Trong đó, đáng chú ý, có tờ trình về việc dừng triển khai phương án phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ gần 58 triệu cổ phiếu với giá 2.128 đồng/cp, tỷ lệ hoán đổi là 0,2218:1 (2.218 đồng nợ đổi được 1 cổ phần phát hành thêm). Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2020.

Phía TTF cho biết sau khi nghị quyết ĐHĐCĐ 2020 được thông qua, HĐQT công ty đã tiến hành đàm phán với một số đối tác mua nợ. Tuy nhiên do các bên không thống nhất được các vấn đề nên đến thời điểm đầu tháng 4 năm nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để mua lại nợ tại DongA Bank.

Do vậy, doanh nghiệp sẽ trình cổ đông thông qua việc huỷ đợt phát hành riêng lẻ này và đưa ra phương án khác thay thế.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, tại ngày 31/12/2020, tổng nợ đi vay của TTF là 507 tỷ đồng, đều là vay ngắn hạn, chiếm gần 23% tổng nguồn vốn.

Trong đó, TTF có 144 tỷ đồng vay từ ngân hàng gồm hơn 123 tỷ đồng từ DongA Bank, đã quá hạn thanh toán khi kỳ hạn trả gốc và lãi là từ ngày 27/7 đến ngày 23/9/2016. Lãi suất khoản vay DongA Bank này là 8,5%/năm và được đảm bảo bằng 12.859 m3 gỗ nguyên liệu các loại và thành phẩm của nhóm công ty. Lãi thanh toán khoản nợ quá hạn của TTF tính tới cuối năm 2020 là hơn 71 tỷ đồng. 

Gỗ Trường Thành: Không ai mua nợ tại DongABank, muốn huỷ phương án phát hành riêng lẻ gần 58 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ  - Ảnh 1.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán.

Ngoài khoản nợ quá hạn 123 tỷ đồng thì trong tháng 2 vừa qua TTF cũng có khoản nợ ngân hàng cần thanh toán gần 20 tỷ đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

Tới ngày 21/12 năm nay, TTF có khoản nợ phải trả theo hình thức tín chấp gần 363 tỷ đồng cho ông Bùi Hồng Minh.

Qua đó có thể thấy, áp lực trả nợ đang đè nặng lên vai của TTF khi các khoản nợ đang tới hạn trong khi phương án phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ tại DongA Bank lại không thể triển khai được.

Tại ĐHĐCĐ năm 2020, nói về việc lựa chọn phương án để xóa nợ, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT thẳng thắn cho biết "không còn cách nào khác để mà làm, TTF không thể nào vay ngân hàng, từ khi tôi tiếp nhận công ty. Đơn giản vì khoản vay cũ tại DongA Bank là nợ xấu, chưa có điều kiện để trả dứt điểm. Giữa chúng ta với DongA Bank có ít nhất vài chục lần làm việc, thậm chí ngân hàng đã khởi kiện công ty".

"Trong hồ sơ vay của TTF trước đây, không chắc những chữ trên đó là chữ đúng. Khi di dời nhà máy để xây tủ bếp, chúng tôi mới phát hiện chất lượng số hàng thế chấp tại Đông Á và thực tế khác nhau, giá sản phẩm bên ngoài thấp hơn trên hợp đồng thế chấp". 

Thời điểm đó, ông Tín cũng chia sẻ toàn bộ tiền đầu tư vào nhà máy mới đều là tiền tiết kiệm của công ty, tiền từ thanh hàng chứ không vay ở đâu được. Nếu xóa sạch khoản này, TTF hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng và có cơ hội để phát triển.

"Nhưng thực tế, chúng ta bị ngăn cản ở việc không thể đi vay và cũng không thể nào xóa nợ xấu cũ tại ngân hàng DongA Bank. Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng của TTF. Nếu xóa sạch khoản này, chúng ta hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng và thực tế chỉ còn nợ Vingroup", Chủ tịch TTF thông tin.

Các tờ trình khác về kế hoạch kinh doanh chưa được doanh nghiệp công bố song theo thư mời họp thì doanh nghiệp dự kiến sẽ trình cổ đông thêm các nội dung quan trọng như phát hành cổ phiếu ưu đãi để huy động vốn và hoán đổi nợ; tờ trình về chủ trương đầu tư, góp vốn vào công ty ở nước ngoài. 

Về tình hình kinh doanh, theo số liệu đã kiểm toán, năm 2020, doanh nghiệp đạt 1.214 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 68% so với thực hiện năm 2019. Công ty đã có lãi trở lại với lãi ròng gần 31 tỷ đồng sau hai năm liên tiếp lỗ đậm và cổ phiếu TTF đã thoát được án huỷ niêm yết HOSE.

Tuy nhiên, hết năm 2020, TTF vẫn còn gánh khoản lỗ luỹ kế 3.044 tỷ đồng, "ăn mòn" vốn chủ sở hữu khi âm tới 585 tỷ đồng.

Lỗ luỹ kế, vốn chủ sở hữu âm, vốn lưu động âm, nợ quá hạn thanh toán là những vấn đề khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Gỗ Trường Thành.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.