Hé lộ đơn vị bán 16,3% cổ phần VinCommerce cho SK Group

SK Group đã chi 410 triệu USD để mua lại 16,3% cổ phần VinCommerce và trở thành cổ đông nước ngoài lớn tại hệ thống bán lẻ này.
Hé lộ đơn vị bán 16,3% cổ phần VinCommerce cho SK Group - Ảnh 1.

Ông Danny Le, CEO Masan Group. (Ảnh: MSN).

Trao đổi qua email với Forbes, người phát ngôn của SK Group cho biết công ty đã trả 410 triệu USD cho 16,3% cổ phần tại VinCommerce. Số cổ phần được mua lại từ CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), đơn vị nắm quyền kiểm soát tại VinCommerce và đồng thời là đối tác chiến lược của SK Group. Từ năm 2018, SK Group đã nắm giữ 9,5% cổ phần tại Masan Group.

Phía Masan chưa đưa ra thông tin chính thức về vấn đề này, song theo tìm hiểu của người viết, 16,3% cổ phần VinCommerce được SK Group mua lại trùng khớp với tỷ lệ nắm giữ trước đó của GIC (quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore).

Như vậy, rất có thể GIC đã thoái vốn tại VinCommerce, Masan Group tìm người mua lại số cổ phần trên và người đó không ai khác lại là SK Group, đối tác có mối quan hệ hơn 3 năm qua với tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Về phía mình, trong thông cáo phát đi ngày 6/4, Masan cho biết tập đoàn có kế hoạch sử dụng một phần khoản đầu tư này, xấp xỉ 225 triệu USD, để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng vốn cho các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

SK Group là tập đoàn lớn thứ ba tại Hàn Quốc. Động thái đầu tư vào VinCommerce được Forbes đánh giá sẽ giúp tập đoàn Hàn Quốc này tiếp cận nhiều hơn với thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng.

Đại diện SK Group cũng khẳng định: "Chúng tôi đã tích cực đầu tư vào Việt Nam trong vài năm qua vì tiềm năng tăng trưởng cao của thị trường. SK Group tìm thấy cơ hội mạnh mẽ ở Đông Nam Á khi các nền kinh tế tiếp tục mở rộng quy mô."

"Kỳ vọng VinCommerce sẽ phát triển giống Alibaba và Amazon trong tương lai"

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,9% bất chấp suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. Quỹ tiền tệ quốc tế dự kiến tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021 dựa trên "các nền tảng kinh tế mạnh mẽ".

Riêng thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự bùng nổ trong thập kỷ qua, khi ngành sản xuất xuất khẩu tạo ra việc làm và làm sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong dân sống 96,5 triệu người.

Đại diện SK Group cho biết VinCommerce là cơ hội có một không hai, với tiềm năng nắm giữ hơn một nửa thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Hiện hệ thống này đang vận hành 2.300 cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp đất nước. Và đó chỉ là kênh bán lẻ offline.

"SK Group đầu tư vào VinCommerce bởi hấp dẫn trước kế hoạch tăng trưởng của hệ thống này, với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đa kênh, phục vụ khách hàng xuyên suốt từ online tới offline. Chúng tôi kỳ vọng VinCommerce sẽ phát triển giống như Alibaba và Amazon trong tương lai", người phát ngôn SK Group nói.

Về SK Group, năm 2018, tập đoàn này đã thành lập một quỹ SK Investment tại Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong khu vực có tổng dân số 655 triệu người. Hiện tại, tập đoàn đang sở hữu 6,1% cổ phần của Vingroup - CTCP (mã: VIC), tập đoàn lớn tư nhân lớn nhất Việt Nam. 

Công ty con SK Energy nắm giữ 5,53% cổ phần tại PetroVietnam Oil. Năm ngoái, SK Group cũng mua lại 24,9% cổ phần tại Công ty Dược phẩm Imexpharm có trụ sở tại Việt Nam.

SK Group là tập đoàn chaebol do gia đình kiểm soát chỉ đứng sau Samsung và Hyundai, xét về doanh thu. Các công ty con của nó hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, hoá chất, chất bán dẫn, viễn thông và công nghệ sinh học.

Ông Tim Hwang, Giám đốc điều hành của Công ty truyền thông và dữ liệu FiscalNote có trụ sở tại Washington, cho biết các chaebol Hàn Quốc đang tìm đường vào thị trường Đông Nam Á bởi thị trường nội địa của họ đã quá chật hẹp.

Đơn cử, năm 2019, Samsung đã chọn Việt Nam là nơi đặt Samsung Showcase thứ ba của mình, đây là một cửa hàng trưng bày các thiết bị mới nhất đến từ hãng điện tử hàng đầu thế giới. Các công ty Hàn Quốc cũng được khuyến khích đầu tư vào Đông Nam Á theo "New Southern Policy" (Chính sách phương Nam mới - NV) của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Kế hoạch để Hàn Quốc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc và Mỹ. Tính đến năm 2019, Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn thứ 5 tại Việt Nam.

Ông Rajiv Biswas, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IHS Markit nhận định: "Nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng chậm lại trong dài hạn do già hoá dân số. Khoản đầu tư mới này vào Việt Nam mang lại cho SK Group một vị trí chiến lược tại một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới."

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.