Những chuyển động tại VinCommerce

9 tháng sau khi về với Masan, VinCommerce đạt mức tăng trưởng hai chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu đạt EBITDA (khấu hao và lãi vay) hòa vốn ngay trong quí IV/2020.

Sau gần một năm tiếp quản hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, Tập đoàn Masan vẫn đang kiên trì theo đuổi chiến lược thu hẹp qui mô để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Masan đã đóng cửa 434 cửa hàng VinMart và VinMart+ hoạt động không hiệu quả, đồng thời cũng mở mới thêm 58 điểm bán. Tính đến cuối quí III, toàn hệ thống VinCommerce đang có 2.646 cửa hàng, gồm 122 siêu thị VinMart và 2.524 siêu thị mini VinMart+.

Masan cho biết, nhờ việc tối ưu hoá hệ thống cửa hàng thông qua việc dừng hoạt động các cửa hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận, 9 tháng đầu năm hệ thống VinCommerce liên tục đạt tăng trưởng hai chữ số về cả doanh thu và cải thiện lợi nhuận. 

VinMart mang về gần 24.000 tỉ đồng cho Masan sau 9 tháng - Ảnh 1.

Chuỗi siêu thị mini VinMart+ tiếp tục là động lực tăng trưởng

Trong quí III/2020, toàn hệ thống VinCommerce ghi nhận mức doanh thu đạt 7.864 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, VinMart và VinMart+ mang về cho Masan 23.678 tỉ đồng doanh thu.

Trong đó, doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart+ trong quí III tăng 38,4% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VinMart+ tăng 56,5% về doanh thu so với cùng thời điểm 2019.

Tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) của VinMart+ lần lượt là 8,4% trong quí III và 11,2% trong 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng LFL được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 18,1% trong quí III/2020, trong đó các cửa hàng tại TP HCM có mức tăng trưởng nhanh nhất, đạt 25,4%.

Thị trường phía Bắc tiếp tục phát huy lợi thế "sân nhà" cho VinMart+ khi 60% doanh thu trong kì đến từ cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố cấp 1, đạt điểm hòa vốn hơn 7,5 triệu đồng/m2/tháng.

Tại phía Nam, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt, các cửa hàng tại TP HCM và các thành phố cấp 2 cũng đóng góp 40% doanh thu cho chuỗi siêu thị mini.

Sau 9 tháng đầu năm, Masan đã mở thêm 57 cửa hàng VinMart+ mới nhưng cũng đồng thời dừng hoạt động 421 điểm bán. Hơn 80% số cửa hàng đóng cửa đặt tại TP HCM và các thành phố cấp 2 có tỉ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.

Tổng mức lỗ EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) của các cửa hàng bị đóng cửa là 202 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo Masan, khoản lỗ này sẽ không tiếp diễn trong năm 2021.

Masan đang điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí bằng việc khai trương các cửa hàng thí điểm mới tại TP HCM và Hà Nội. Các mô hình thí điểm này sẽ được áp dụng khi mở cửa hàng mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.

Siêu thị VinMart giảm doanh thu trong quí thứ hai liên tiếp

Ngược lại, mô hình đại siêu thị VinMart ghi nhận doanh thu giảm 15,8% so với quí III/2019 và đây cũng là quí thứ hai liên tiếp VinCommerce ghi nhận sự sụt giảm trong mảng kinh doanh siêu thị. 

Nguyên nhân sụt giảm doanh thu đối với chuỗi siêu thị VinMart được cho là đến từ sự sụt giảm doanh số của các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail (VRE). Theo Masan, hơn 95% doanh số sụt giảm là do các siêu thị VinMart thuộc VRE.

Trước đây, các siêu thị VinMart thuộc VRE đóng góp 66% vào tổng doanh số của VinMart. Trong quí III/2020, con số này giảm còn 56%.

Dù vậy, tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 8,3% so với quí trước, chủ yếu nhờ vào lượng khách tăng 9,3%.

Thị trường miền Bắc tiếp tục là cứ điểm quan trọng của siêu thị VinMart, đóng góp 48% tổng doanh thu trong quí. Trong khi đó, TP HCM và các thành phố cấp 1, cấp 2 - những khu vực tập trung nhiều siêu thị thuộc VRE hơn có mức tăng trưởng âm.

Trong 9 tháng đầu năm 2020 có 1 siêu thị VinMart mới được mở cửa và có 12 siêu thị đóng cửa.

Tương tự, những cửa hàng này có tỉ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng. Tổng mức lỗ EBITDA của các cửa hàng đã đóng cửa là 37 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.

VinMart mang về gần 24.000 tỉ đồng cho Masan sau 9 tháng - Ảnh 2.

Kì vọng năm 2021

Trong kì, những sự thay đổi cách vận hành hệ thống VinCommerce như tối ưu hoá hệ thống cửa hàng thông qua việc đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm, chính sách giá…. bước đầu đã cho thấy hiệu quả với biên lợi nhuận gộp của VinCommerce cải thiện 2,4% và chi phí hoạt động giảm 1,3%.

Biên EBITDA chỉ còn âm 2,8% trong quí III/2020 so với mức âm 6,7% cùng kì năm trước. Biên EBITDA đã cải thiện từ (5,1)% trong quí I/2020, (8,5)% trong quí II/2020 (trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19) lên (2,8)% trong quí III/2020, và đang hướng đến mục tiêu EBITDA hòa vốn trong quí IV/2020.

 - Ảnh 3.

Trong đó, tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đưa ra chính sách giá mới và đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp là 3 động lực chính thúc đẩy VinCommerce cải thiện 2,4% lợi nhuận gộp trong kì.

Masan cho biết, các cải thiện giá vốn hàng bán dự kiến sẽ được thực hiện vào quí/2020 và bắt đầu cho kết quả vào nửa đầu năm 2021.

Lợi nhuận VinCommerce cũng được cải thiện nhờ vào việc đóng cửa 421 siêu thị mini và 12 siêu thị hoạt động kém hiệu quả trong 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận được cải thiện từ việc đóng cửa các điểm bán không đạt kì vọng sẽ cho thấy kết quả vào năm 2021.

VinMart mang về gần 24.000 tỉ đồng cho Masan sau 9 tháng - Ảnh 3.

Sau khi tập trung cải thiện VinMart+, lãnh đạo Masan cho biết sẽ cải tiến mô hình VinMart, định vị thành tổ hợp quan trọng trong nền tảng online cho ngành hàng tươi sống. (Ảnh: Huy Nguyễn).

Liên quan đến mảng siêu thị VinMart, sau 9 tháng tập trung cải thiện các vấn đề cốt lõi của mô hình siêu thị mini, Ban lãnh đạo Masan hiện đang cải tiến mô hình siêu thị và định vị đây là thành tố quan trọng trong nền tảng tích hợp online cho hàng tươi sống.

Đối với hệ thống siêu thị mini VinMart+, trong quí III, VinCommerce đã khai trương 3 cửa hàng có hình thức bày trí mới đã được ra mắt tại Hà Nội và TP HCM, dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng tốc để đảm bảo đạt lợi nhuận vào năm 2021.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: "Chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce sẽ đạt mục tiêu hòa vốn vào quí IV năm nay. Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành Tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline hàng đầu".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.