Khách hàng chọn mua rau sạch của VinEco tại trung tâm thương mại Vincom, Quận 1, TP HCM. (Ảnh: QUANG ĐỊNH).
Chia sẻ thêm về thương vụ hoán đổi cổ phần VinCommerce và VinEco (của Tập đoàn Vingroup) vào Masan Consumer, được công bố ngày 3/12, Ông Trương Công Thắng nói:
Các hoạt động lõi của Masan đều xoay quanh hàng tiêu dùng và bán lẻ, nên VinMart sẽ là mảnh ghép quan trọng để khép kín lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ mà Tập đoàn Masan còn đang thiếu. Vingroup và Masan chỉ mất một tháng để đi đến thương vụ này. Đây là quyết định bất ngờ và đột phá với cả hai doanh nghiệp. Và theo thỏa thuận của hai bên, giá trị chuyển nhượng không được công bố.
- Việc Masan bắt tay hợp tác với Vingroup là gì, có phải "muốn giữ lại thị trường bán lẻ cho người trong nước quản lí để giữ thương hiệu Việt" như lãnh đạo Vingroup tuyên bố không, thưa ông?
- Có thể hiểu là như vậy. Đúng là cái bắt tay giữa những thương hiệu mạnh hàng đầu Việt Nam như Masan và Vingroup để tạo nên niềm tự hào thương hiệu Việt. Chúng tôi mong muốn giữ lại thị trường bán lẻ cho Việt Nam, chứ không phải là "sân chơi" của doanh nghiệp ngoại, và khẳng định doanh nghiệp Việt không thể đánh rơi vị thế của mình trên chính sân nhà.
Ngoài ra, kinh tế đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các kênh phân phối siêu thị và các loại phân phối hiện đại khác cũng ngày một bùng nổ. Masan muốn khẳng định vị thế của mình trong bức tranh chung đó, vì nó liên quan mật thiết tới việc sản xuất, phân phối và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.
Vingroup cũng đã "chọn mặt gửi vàng" khi bắt tay cùng Masan chứ không phải những doanh nghiệp ngoại đang khao khát thao túng thị trường bán lẻ Việt Nam. Họ nhìn thấy chúng tôi hội tụ đầy đủ kinh nghiệm, tiềm lực và nền tảng hệ thống để có thể tiếp quản tốt nhất hai chuỗi VinMart và VinMart+, tiếp tục đưa VinCommerce phát triển không chỉ theo lộ trình đã có mà còn hướng ra quốc tế.
Do đó, tôi tin rằng sự hợp tác này là sự tương hợp, cộng hưởng sức mạnh để nhanh chóng xác lập giá trị cho cả hai công ty, cho cổ đông và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nói chung.
Khác với Vingroup, ngoại trừ khoáng sản, các hoạt động lõi còn lại của Masan đều xoay quanh hàng tiêu dùng và bán lẻ, VinMart sẽ là mảnh ghép quan trọng để khép kín lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ của tập đoàn còn đang thiếu.
Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
- Tiếp quản hệ thống bán lẻ VinMart, liệu Masan có còn dành cơ hội cho các nhà cung cấp cùng ngành hàng với Masan "chen chân" vào?
- Ngay trong hệ thống VinMart, hàng hóa của Masan Consumer đang có khoảng 1% và chúng tôi cũng hài lòng với tỉ lệ này. Bản chất của VinMart là kinh doanh bán lẻ và Masan cũng chỉ là một nhà cung cấp nhỏ trong đấy, nên "sân chơi" vẫn còn dành cho các sản phẩm nội địa khác.
Các chính sách của VinMart với các nhà cung cấp, khách hàng trước đây ra sao chúng tôi sẽ giữ nguyên như cũ. Và Masan cũng vậy, cũng phải cố gắng cạnh tranh trong hệ thống này như các kênh bán hàng khác.
Theo tôi, các sản phẩm của Masan đã chứng tỏ sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nói chung chứ không phải chỉ trong mỗi hệ thống VinMart, nên chúng tôi luôn đặt trọng tâm vào người tiêu dùng, cũng như luôn nghĩ cách phục vụ người tiêu dùng những mặt hàng cần thiết mọi lúc mọi nơi.
- Sự hợp tác này liệu có tác động đến chiến lược phát triển dài hạn của Masan? Và 25.000 người lao động của VinCommerce sẽ được quản trị theo mô hình của Masan, hay giữ nguyên như hiện tại?
- Chiến lược của Masan Consumer Holding năm 2020-2030 là sở hữu các chuỗi bán lẻ hiện đại ngày càng lớn tại Việt Nam. Trong 5-10 năm tới, hệ thống của VinMart sẽ trải rộng khắp các vùng miền trong cả nước. Khi đó, hàng hóa từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng sẽ có con đường ngắn nhất, chất lượng đảm bảo, giá cả thống nhất và các chương trình hỗ trợ quyền lợi cho khách hàng sẽ nhanh chóng tới tận tay người tiêu dùng.
Do đó, sự hợp tác mà chúng tôi đã lựa chọn chính là bước đi then chốt trong chiến lược phát triển tới đây của tập đoàn. Định hướng chiến lược của chúng tôi trong thời gian tới là triển khai cửa hàng trở thành một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khỏe - sẽ dần hoàn thiện. Và với hệ thống quy mô lớn của VinMart, thương vụ chính là bước đi chiến lược, giúp tham vọng của Masan được đẩy nhanh hơn.
Còn ở khía cạnh quản trị nguồn nhân lực, tôi cho rằng cả Masan và Vingroup có nhiều yếu tố văn hóa doanh nghiệp khá giống nhau, cùng có nguyên lí hoạt động, nguyên tắc hành xử tương đồng nhau. Do đó, Masan vẫn sẽ tiếp tục giữ nét văn hóa đó và tinh lọc để đảm bảo sự hài hòa khi vận hành hệ thống mới. Vì chúng tôi đều là những doanh nghiệp Việt, luôn khao khát khẳng định tinh thần, sức mạnh của người Việt trong kinh doanh.
- Sau sáp nhập, Masan vẫn sẽ giữ lại thương hiệu VinMart, hay sẽ đổi tên?
- VinMart là một tên thương hiệu tốt ở Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi chưa có kế hoạch thay đổi tên gọi này. Không chỉ giữ nguyên tên gọi, Masan cũng đảm bảo các cam kết và duy trì toàn bộ chính sách VinMart đang áp dụng với khách hàng và đối tác ở mức cao nhất.
Ông Phạm Việt Anh (chuyên gia tư vấn phát triển doanh nghiệp):
Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển sang bước mới
Trong thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh, nếu nhà kinh doanh tối thiểu hóa được chi phí quảng bá, một chi phí rất tốn kém mà doanh nghiệp nào cũng phải đối diện, thì sẽ tăng được hiệu quả. Vì vậy, việc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Masan tham gia điều hành doanh nghiệp bán lẻ, sẽ giúp họ có hiệu quả kinh doanh bền vững hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí quảng bá này.
Hơn nữa, đây là thương vụ giữa hai doanh nghiệp trong nước, có nghĩa sau khi thay đổi chủ sở hữu, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn thuộc về các doanh nghiệp Việt. Trong phần chia sẻ của mình, đại diện Masan cũng cho biết tập đoàn mới sẽ tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo "sân chơi" bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt. Đó là một tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, thách thức của một công ty, tập đoàn tiêu dùng bán lẻ sẽ là tính cân bằng lợi ích và đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Trên thế giới, các thương vụ hoán đổi cổ phần để khép kín quy trình sản xuất, phân phối không hiếm, nhưng sau đó sẽ phải tách ra độc lập mảng bán lẻ để không bị mang tiếng chi phối trên danh nghĩa. Bản thân các công ty bán lẻ cũng hiểu rằng nếu chỉ bán mỗi sản phẩm thương hiệu mình cũng sẽ không đa dạng được.
Các yếu tố liên quan đến môi trường cạnh tranh, chiến lược cạnh tranh được doanh nghiệp cho là những yếu tố có ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động bán lẻ. Để thành công, doanh nghiệp kinh doanh ngành bán lẻ ngoài vấn đề hoạch định chiến lược tốt phải chú trọng vào quản trị tốt và thương hiệu uy tín. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phát huy tốt thế mạnh về văn hóa, kinh nghiệm, đồng thời liên kết với nhau và với các hiệp hội ngành hàng.
N.BÌNH
Kinh doanh 21:00 | 07/05/2020
Kinh doanh 08:41 | 30/04/2020
Kinh doanh 19:58 | 18/02/2020
Kinh doanh 15:08 | 23/01/2020
Kinh doanh 09:28 | 21/01/2020
Kinh doanh 19:29 | 20/01/2020
Kinh doanh 10:09 | 17/01/2020
Kinh doanh 20:37 | 14/01/2020