Không chỉ HDTC, 'bão' giảm nhân sự đang 'quét' qua nhiều doanh nghiệp đầu ngành

Do những khó khăn về tài chính, HDTC mới đây đã thông báo tái cơ cấu lại bộ máy nhân sự. Đây cũng là tình trạng chung của những ông lớn địa ốc.

Ngày 16/11, CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) đã có văn bản thông báo cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự dựa trên tình hình suy thoái kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Theo đó, công ty tạm ngừng thi công xây dựng tại các dự án; sự biến động và tình hình thực tế của công ty. Thông báo này được ký bởi ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Toàn thể cán bộ nhân viên đang làm việc tại HDTC và chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới. Công ty đang xem xét các phương án trợ cấp và sẽ thông báo đến cán bộ nhân viên.

Lý do được công ty đưa ra là nguồn tài chính hiện tại vô cùng khó khăn, công ty không có nguồn trả lương cho cán bộ nhân viên nên HĐQT đã thống nhất sắp xếp tôt chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt.

HDTC đã phải tạm dừng hoạt động do khó khăn tài chính. (Ảnh minh hoạ: VTCNews).

Doanh nghiệp địa ốc chật vật sinh tồn

Câu chuyện của HDTC đã phản ánh tình trạng chung của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản trong thời gian qua.

Số liệu do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, bất động sản đang là lĩnh vực có tốc độ số lượng doanh nghiệp giải thể gia tăng so với cùng kỳ năm trước nhanh nhất.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 3.850, còn số lượng doanh nghiệp giải thể là 1.067. So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 50,2%, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 9,5%.

Theo Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản gần đây đã có một số chuyển biến mới tích cực hơn sau giai đoạn khó khăn kéo dài từ cuối năm ngoái. Trong đó, một vài dự án mới đã được chủ đầu tư công bố ra thị trường. Tình hình tài chính của doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ căng thẳng nhất. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.

Đối với các sàn giao dịch bất động sản, thống kê của VNREA cho thấy có 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm nay. 

Ông lớn cũng không ngoại lệ

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, ngay cả những ông lớn đầu ngành như Novaland hay Đất Xanh... cũng đang đối mặt với bài toán cắt giảm nhân sự, dù kết quả kinh doanh đã có những dấu hiệu tích cực.

Vinhomes đã cắt giảm gần 32% số lượng nhân viên so với đầu năm. Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, doanh nghiệp ghi nhận số lượng nhân viên là 9.030 người, trong khi tại ngày 31/12/2022 là 13.191 người. Tính riêng trong quý III/2023, Vinhomes đã cắt giảm gần 3.000 nhân sự.

Tương tự, lượng nhân viên của Novaland tại ngày 31/12/2022 là 1.404 người, đến ngày 30/6/2023 đã giảm xuống còn 1.287 người, đến 30/9/2023 tiếp tục giảm còn 1.089 người.

Ông lớn môi giới Đất Xanh tính đến 30/9/2023 ghi nhận 2.484 nhân sự, giảm 34% so với thời điểm đầu năm. Cenland cũng hồi đầu năm có 2.364 người cũng giảm xuống còn 2.184 nười tại 30/9.

Ở những doanh nghiệp như An Gia hay Phát Đạt, dù có bộ máy nhân sự không quá lớn, song vẫn ghi nhận tình trạng cắt giảm.

Cụ thể, lượng nhân viên của An Gia ngày 31/12/2022 là 146 người, đến cuối quý II năm nay còn 141 người và cuối quý III còn 98 người. Phát Đạt đã giảm từ 355 nhân sự hồi đầu năm xuống còn 254 người vào cuối tháng 9...

Khi chính sách chưa thể đến tay

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều hành chính sách ổn định vĩ mô, đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế, bao gồm các giải pháp từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường bất động sản. 

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cho biết biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để kéo thị trường vực dậy. Để thị trường chuyển biến rõ rệt rất cần thêm nhiều các giải pháp cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính Phủ, các bộ ngành và cả hệ thống ngân hàng, tập trung vào pháp lý và tiếp cận vốn.

Trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước mới đây, đại diện các doanh nghiệp đầu ngành đã chia sẻ về những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp do các ngân hàng, hạn chế ở room tín dụng khiến ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay, mặt bằng lãi suất vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo đã thấp hơn giá trị thực trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giao dịch để tham chiếu. Các dự án bất động sản bị vướng mắc trong quy trình, thủ tục. Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho vay với tài sản bất động sản, không chấp nhận những tài sản khác như cổ phiếu niêm yết, những máy móc thiết bị, quyền tài sản phát sinh từ dự án.

Về phía Novaland, tập đoàn cho hay đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng. Doanh nghiệp đã đề nghị được  hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán. 

Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy.

Ở trường hợp của Hưng Thịnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Cường chia sẻ, mới đây Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã cấp tín dụng hạn mức 5.000 tỷ cho Hưng Thịnh để giúp tháo gỡ vướng vắc về vốn cho doanh nghiệp và các nhà thầu đang xây dựng tại dự án dở dang. Tuy nhiên, hiện nay LPBank cũng đã hết room cho vay bất động sản, nên gặp khó khăn trong việc triển khai các gói tiếp theo.

Ông Lâm Hoàng Đăng, Phó Tổng giám đốc Văn Phú Invest nêu thêm, quy định vốn tự có 30% đang làm khó các chủ đầu tư khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác thì bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn tự có của mình ra. Vì vậy, số vốn tự có này dần dần sẽ bị giảm đi, gâp áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest thì cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính còn rườm rà và làm khó các doanh nghiệp. Có dự án kéo dài đến 15 năm vẫn chưa tiến hành giải phóng mặt bằng xong…

Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.