Không phải học gì và thi nấy thì gọi là giáo dục toàn diện

Theo quan điểm của Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt, phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 Bộ GD&ĐT mới công bố đang thể hiện một sự rối ren trong tư duy và còn tồn tại một số điểm bất hợp lý…

Dù mới công bố phương án và đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017, dư luận hiện vẫn đang đặt rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Liệu rằng tính khả thi và độ hợp lý của nó có thực sự như dư luận đang mong chờ? Để rộng đường dư luận, phóng viên Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt – Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Einstein (Anhxtanh).

phuong an thi thpt quoc gia 2017 va cau chuyen con dao cai liem
Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Einstein (Anhxtanh) Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ).

PV: Quan điểm của ông như thế nào về việc mới đây, Bộ GD&ĐT công bố phương án, hình thức thi và bộ đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017?

Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt: Thời gian qua đã có rất nhiều các ý kiến, phản biện được các thầy cô, chuyên gia giáo dục đưa ra và báo chí đã phản ánh. Tôi chỉ góp thêm tiếng nói của mình để góp phần phản biện lại một số điểm còn bất hợp lý của phương án và hình thức thi.

So với các năm trước, nhìn bề ngoài có vẻ kỳ thi năm tới các em học sinh sẽ được “nhẹ nhàng” hơn bởi chỉ phải làm 4 bài thi.

Trong đó gồm 3 bài thi bắt buộc thuộc các môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Bài thi thứ 4 sẽ là bài thi tổ hợp: Hoặc tổ hợp khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử, GDCD); hoặc tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học).

Thời gian cho cả kỳ thi quốc gia chỉ gói gọn trong hai ngày, thay vì 4 ngày và phải làm tới 6 bài thi như trước đây. Mục đích của lãnh đạo Bộ muốn giảm áp lực thi cử cho các em là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề mâu thuẫn phát sinh mà Bộ cần hết sức lưu ý và để tâm. Nhất là lượng câu hỏi và thời gian làm bài đã hợp lý chưa.

PV: Ông có thể phân tích sâu và cụ thể hơn các điểm bất hợp lý này được không?

Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt: Điều đầu tiên phải nói tới là việc hiểu như thế nào về giáo dục toàn diện? Có phải cứ cho các em học gì và thi nấy thì gọi là giáo dục toàn diện?

Câu trả lời theo tôi là không!

Để cho dễ hình dung, chúng ta cứ thử tưởng tượng nhiệm vụ của cái liềm và con dao.

Để cắt lúa đương nhiên người nông dân phải dùng liềm (nếu không có máy nhé). Còn để thái rau thì phải chọn con dao. Chả có ai đi dùng liềm thái rau và lấy dao đi cắt lúa cả.

Trở lại câu chuyện học gì thi nấy, chúng ta dường như đang bắt ép các em học sinh trở thành những “siêu nhân”. Các em chỉ có thể học tốt một vài môn sở trường ở từng lĩnh vực thôi.

Số em thuộc hệ “cái gì cũng biết” dường như rất hiếm có và khó tìm. Hoặc em đó mạnh về khoa học tự nhiên, hoặc mạnh về khoa học xã hội.

Trong phương án thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ có đưa ra hình thức thi cho bài thi tổ hợp, theo tôi là chưa hợp lý.

Thứ nhất, đối với tổ hợp các môn KHTN gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thời gian chỉ gói gọn trong 150 phút cho cả ba mã đề thi. Mỗi một môn gồm 40 câu hỏi và trung bình trong 50 phút. Như vậy, với mỗi câu hỏi thí sinh chỉ có 1,25 phút để làm.

phuong an thi thpt quoc gia 2017 va cau chuyen con dao cai liem
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT đã họp báo công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 (Ảnh: Đình Tuệ).

Đó là chưa kể khi kết thúc một môn, lại làm liền đó môn tiếp theo dễ gây tâm lý căng thẳng, nặng nề cho các em.

Tưởng rằng không nặng nhưng lại…‘quá nặng’đối với các thí sinh!

PV: Nếu trường hợp Bộ vẫn giữ nguyên phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 như đã công bố, hiệu quả và tính sàng lọc sẽ được đảm bảo tới đâu, theo ông?

Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt: Đương nhiên dù Bộ có thực hiện phương án thi nào đi nữa, nhiệm vụ của các thầy cô vẫn là cố gắng hết sức có thể để giúp các em có được tâm lý thoải mái nhất khi vào phòng thi và đạt kết quả như ý.

Nói như vậy cũng phải đặt ngược lại vấn đề, nếu áp dụng hình thức bài thi tổ hợp cả KHTN hay KHXH đều ẩn chứa những bất cập.

Giả sử thí sinh chủ định nộp hồ sơ vào trường ĐH, CĐ theo khối A1, thí sinh có thể chỉ tập trung làm môn Vật lý thôi. Còn hai môn còn lại gồm Hóa học và Sinh học có thể đánh dấu hú họa vì thi trắc nghiệm.

Trước khi đưa ra phương án thi, Bộ cần xác định kỳ thi phải đạt được các tiêu chí và yêu cầu của một kỳ thi mang tầm quốc gia hay không?

Nếu chỉ lấy việc thi để điều khiển cho việc học là một điều hết sức sai lầm. Học sinh chỉ học cốt để đi thi thì không ổn chút nào. Các em sẽ học tràn lan, môn nào cũng lao vào học và cuối cùng không chuyên sâu cái gì.

Khi khoa học càng phát triển thì mới phân thành các chuyên ngành. Nhưng câu chuyện thi liền ba phân môn vào một bài thi tổ hợp là điều không nên làm.

Năm ngoái thí sinh thi môn Vật lý trong 90 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm.

Nhưng năm 2017, thí sinh phải làm 40 câu nhưng chỉ trong vỏn vẹn 50 phút.

Hình thức thi nào cũng đều có ưu và nhược điểm của nó.

Đối với thi trắc nghiệm, ưu điểm là chấm thi nhanh, lượng kiến thức được trải rộng và tránh hiện tượng học tủ của học sinh.

Nhưng trắc nghiệm chỉ có thể kiểm tra được kết quả mà không kiểm tra được quá trình. Khi đó có thể xảy ra hiện tượng các thầy cô “học hộ” các em luôn vì chỉ cần lấy kết quả thôi.

Hy vọng, tới đây Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, góp ý từ dư luận để lựa chọn phương án thi tối ưu nhất cho các em thí sinh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.