Bộ GTVT vừa có trả lời kiến nghị cử tri Đà Nẵng về thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT.
Cụ thể, cử tri Đà Nẵng cho rằng thời gian vừa qua Bộ GTVT xin lùi thời gian thu phí không dừng qua các trạm BOT với lí do chưa đủ kinh phí để đầu tư thiết bị là chưa thỏa đáng.
Theo cử tri, trên thực tế trạm BOT đã tiến hành thu phí từ lâu, thậm chí có công trình chưa hoàn thành cũng đã thu. Vậy tiền thu được vì sao không đầu tư thiết bị?
"Việc xin lùi thời hạn này phải chăng cố tình trì hoãn để thu phí thủ công nhằm tránh sự kiểm soát của nhà nước. Đề nghị Bộ GTVT làm rõ vấn đề này, cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT", cử tri Đà Nẵng đề nghị.
Trả lời cử tri, Bộ GTVT khẳng định thời gian qua đã "hết sức nỗ lực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải hoàn thành".
Theo Bộ này, đến nay cơ bản các trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến quốc lộ, cao tốc có lưu lượng giao thông lớn đã triển khai vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (40 trạm).
"Tuy nhiên, tiến độ tổng thể của hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chậm so với yêu cầu", Bộ GTVT thừa nhận.
Bộ cho biết, biệc triển khai chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân không đủ kinh phí để đầu tư thiết bị thu phí tự động không dừng như ý kiến của cử tri là đối với 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lí.
Các dự án cao tốc do VEC quản lí là các dự án vay ODA, đến nay hiệp định vay đã hết hạn nên không thể sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị.
Đồng thời, các dự án này cũng không thể sử dụng nguồn thu phí của dự án để đầu tư thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm do cần có cơ chế để thực hiện.
Đối với các trạm còn lại (33 trạm), chậm triển khai do nhà đầu tư giai đoạn 2 của dự án thu phí tự động không dừng (Liên danh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp công nghệ) chậm trễ trong việc thành lập doanh nghiệp dự án.
Nguyên nhân do trong Đề án tái cơ cấu Viettel được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa có DNDA thu phí tự động không dừng nên cần phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh để có cơ sở thực hiện.
Do đó, các trạm còn lại nêu trên không phải vướng mắc do không có nguồn vốn để đầu tư thiết bị.
Liên quan đến nguyên nhân chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thu phí tự động không dừng (Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 09/01/2020), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT rà soát tổng thể quá trình triển khai thực hiện, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án triển khai hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc trong năm 2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiêm túc triển khai thực hiện và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo", Bộ GTVT khẳng định.