Không thể loại bỏ truyện ngắn Chí Phèo

Tác giả Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nên loại bỏ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình phổ thông vì những bất cập của nó về tính giáo dục. Là những người trực tiếp giảng dạy tác phẩm này cho nhiều thế hệ học trò, chúng tôi khẳng định, ý kiến trên của tác giả là chưa thỏa đáng.

Nhiều lần chúng tôi đã làm những khảo sát đối với đối tượng học trò lớp 12 về những tác phẩm mà mình yêu thích nhất sau bao năm học phổ thông, thì tác phẩm đầu tiên được họ kể đến nhiều nhất là Chí Phèo. Chúng tôi không có ý kiến tranh luận với tác giả mà chỉ đưa ra những cảm nhận, đánh giá để thấy được những điểm đặc sắc của truyện ngắn này.

khong the loai bo truyen ngan chi pheo

Theo chương trình hiện hành, học sinh lớp 11 học tác phẩm Chí Phèo (Ảnh:Đào Ngọc Thạch )

1. Ít có tác phẩm nào trong chương trình nhà trường mà học sinh chưa học đã tò mò để biết, và học rồi thì nhớ mãi suốt đời không quên như truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Không chỉ được người đọc trong nước biết đến nhiều, thích thú nhất, mà với người nước ngoài, khi hỏi về văn học VN, nhiều người đã không quên nhắc đến Chí Phèo bên cạnh Truyện Kiều… Đây là một thực tế mà tôi đã trải nghiệm từ một giảng viên nước ngoài dạy tiếng Anh có am hiểu về văn học Việt Nam.

2. Tên gọi truyện ngắn Chí Phèo cũng long đong như chính đời văn Nam Cao, vì đã đổi tên nhiều lần. Lần đầu, Nam Cao đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là Cái lò gạch cũ, lấy chi tiết cái lò gạch bỏ không xuất hiện đầu và cuối truyện nhằm nêu bật tính hiện thực cảu truyện. Khi gửi đến NXB Đời mới (Hà Nội), tập bản thảo bị “bỏ quên” do lúc này tên tuổi Nam Cao vẫn còn mờ nhạt. Tình cờ một lần, chủ bút NXB này là nhà văn Lê Văn Trương đã đọc. Thấy hay hay, ông bèn sửa lại và cho xuất bản năm 1941 với nhan đề Đôi lứa xứng đôi, có ý nói về mối tình là lạ của Chí Phèo và Thị Nở. Song từ cách đặt nhan đề này cũng cho thấy cách đánh giá đương thời về Nam Cao và thị hiếu người đọc bấy giờ. Hình như bóng dáng của những cây đại thụ văn học hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng,… đã quá lớn, nên khó có thêm vị trí cho một nhà văn hiện thực nào nữa. Ngay cả trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan cũng không có một dòng nào về Nam Cao. Thế mà có ai ngờ, từ Chí Phèo trong sự nghiệp sáng tác của mình, đã đưa tên tuổi Nam Cao lên thành nhà văn tiêu biểu nhất, lớn nhất của văn học hiện thực giai đoạn từ năm 1930 -1945. Lần ba, khi đưa vào in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hóa cứu quốc, Hà Nội, năm 1946), Nam Cao lại đổi tên tác phẩm theo nhân vật chính là Chí Phèo.

Bản thân tên gọi nhân vật “Chí Phèo” là một dụng ý nghệ thuật, nó cho thấy sự vận động tha hóa và giá trị hiện thực của truyện. Anh ta là người tên “Chí”, rất có “ý chí”, vì “đã ao ước có một gia đình nho nhỏ…” một thời. Nhưng vì nghịch cảnh đưa đẩy mà thành ra “Phèo”.

Tôi nhớ một đoạn lời thoại rất ý nghĩa trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, từ tỉnh về đến đầu làng, bất ngờ thấy Chí Phèo ở tù về đã ngồi uống rượu, chửi bới lung tung, nhân vật thầy giáo Thứ đã gọi tên Chí Phèo bằng giọng vừa như khuyên lơn mà vừa thông cảm: “Anh Chí!”. Chí Phèo cười chua chát: “Anh Chí à! Cả làng này chỉ mình ông giáo gọi tôi là anh Chí, còn người ta gọi tôi là... thằng Chí Phèo!”. Cách đặt tên nhân vật, tên tác phẩm theo dụng ý này khá phổ biến trong truyện của Nam Cao, như “Lang rận” (thầy lang chữa bệnh mà có rận), Tư cách mõ (tư cách là cần nhưng ra “mõ”, theo nghĩa xấu), Ở hiền (tên tác phẩm là tốt, nhưng nhân vật chính lại có tên Nhu), Sống mòn (thay vì phải là “chết mòn”)…

khong the loai bo truyen ngan chi pheo

Giờ học môn văn của học sinh lớp 11 tại TP.HCM (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

3. Người ta gọi “Thế giới Truyện Kiều” vì trong Truyện Kiều hầu như cái gì của nhân sinh bốn cõi đều được Nguyễn Du bàn đến. Chí Phèo cũng thế: lương thiện, tha hóa, tình yêu, “sex”, rượu, lưu manh, chửi bới, cướp, hiếp, án mạng, tội tù,… đều có tất tần tật. Nam Cao không nghiện rượu, nhưng xem cái cách ông viết Chí Phèo thèm rượu, say rượu, sợ rượu,… đủ thấy ông “tâm lý” đến nhường nào. Hay cảnh Chí Phèo đến đâm Bá Kiến giữa lúc trời chang chang nắng, tôi đồ rằng Nam Cao phải là một bác sĩ bậc cao về chữa trị bệnh lý tâm thần.

4. Nam Cao từng quan niệm: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Cái mới của văn chương vừa là cái lạ, vừa phải là cái đa tầng đa nghĩa, ẩn khuất lấp lánh trong tác phẩm. Vì vậy mà truyện ngắn Chí Phèo từ trước đến nay đã có nhiều cách hiểu. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hình tượng Chí Phèo không phải “điển hình cho người nông dân”, mà là nhân vật “lưu manh hóa” - một “sản phẩm” phổ biến trong xã hội đêm trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Trước đây trên tạp chí Kiến thức ngày nay có bài viết cho rằng Chí Phèo chính là con rơi của cường hào Bá Kiến. Người viết đã đưa ra nhiều chứng cứ làm cơ sở như các chi tiết trong truyện, các lời thoại của nhân vật trong truyện. Chỉ riêng cái xấu đến “ma chê quỷ hờn” như Thị Nở, nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn trong sáng vô ngần của thị trong “lô nhô loài người” (ca từ Trịnh Công Sơn) của làng Vũ Đại đã tốn biết bao nhiêu giấy mực.

5. Sức hấp dẫn của văn Nam Cao trong Chí Phèo còn phải kể nữa là ở giọng kể (trần thuât) đa dạng và biến hóa theo nhiều điểm nhìn. Hãy đọc đoạn văn khi Chí Phèo mới đi tù về, đến nhà cụ Bá: “Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng rốt cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu,, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả… Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chắc rồi mặc thây cha nó… Thành thử chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu! Thật là ầm ĩ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai…”. Đoạn văn có điểm nhìn trần thuật vô cùng đa dạng, từ giọng khách quan tác giả, của người hàng xóm, đến giọng chủ quan người trong cuộc của các bà vợ Bá Kiến…

khong the loai bo truyen ngan chi pheo

Học sinh thực hiện hoạt cảnh tác phẩm Chí Phèo (Ảnh: Ngọc Tuấn)

6. Bi kịch về sự “tha hóa” thì không có gì mới trên văn chương thế giới. Nhưng bi kịch về sự “bị tước đoạt quyền làm người lương thiện” thì chỉ có Chí Phèo mới đạt đến chiều sâu thăm thẳm trong tư tưởng. Còn gì đau đớn bằng muốn sống làm người tốt, “nhặt được của rơi” muốn “trả người đánh mất” mà không thể được, mà không cho phép, mà buộc phải sống ác. Nếu muốn sống thì phải ác, còn muốn lương thiện thì chỉ còn cách là chọn cái chết. Đây chính là điểm làm nên chất tư tưởng lớn nhất của truyện Chí Phèo chăng!

7. Có một điều trớ trêu liên quan giữa tác phẩm và cuộc đời. Đó là khi viết Chí Phèo, Nam Cao lấy bối cảnh làng Đại Hoàng quê ông và hư cấu thành làng Vũ Đại. Và khi ông bị địch phục kích bắn chết ở tại một làng trùng tên với làng hư cấu này ở Hoàng Đan, Ninh Bình, năm 1951.

8. Nhân vật Chí Phèo đã đạt đến sự “điển hình” trường tồn bất hủ. Vì đâu đó trong cuộc sống hằng ngày ta vẫn thấy những Chí Phèo ngất ngưởng đâu đây. Đó cũng là một bài học để cảnh tỉnh, để giáo dục vậy!

Một số tác phẩm gây tranh cãi

Gần đây, truyện cổ tích Tấm Cám cũng khiến dư luận mang ra “mổ xẻ” vì một số nội dung, chi tiết “không mang tính giáo dục”. Chẳng hạn, đoạn kết được của truyện cổ tích này được cho là thiếu nhân văn vì hành động trả thù quá kinh khủng của Tấm.

Theo đó, Tấm đã đun nước sôi để dội cho Cám chết, sau đó còn làm mắm để gửi cho dì ghẻ ăn. Trước những ý kiến thuyết phục đó, đến nay, đoạn cuối cùng trong truyện cổ tích Tấm Cám tại sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 (tập 1, xuất bản năm 2014) đã được sửa thành: Khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.

Tại Trung Quốc, năm 2010, nhiều tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn cũng bị loại khỏi sách giáo khoa như AQ chính truyện, Thuốc, Tưởng nhớ Lưu Hòa Trân… do bị cho là “không còn hợp thời”. Giáo sư Ôn Như Mẫn (ĐH Bắc Kinh) là chủ biên sách ngữ văn bậc trung học đã giải thích: “Giáo dục ngữ văn không còn mục tiêu truyền bá lý tưởng chiến đấu nữa. Vì vậy, chúng tôi bỏ bớt một số tác phẩm của Lỗ Tấn vốn không còn hợp lắm với xã hội ngày nay”.

Mới đây ở Anh, một bà mẹ có tên Sarah Hall cũng đã đề nghị loại bỏ truyện cổ tích Nàng công chúa ngủ trong rừng ra khỏi chương trình ở trường tiểu học vì theo bà nó có những chi tiết khuyến khích những hành vi tình dục “không thích hợp”. Cụ thể là chi tiết hoàng tử hôn nàng công chúa để đánh thức cô dậy, sẽ khiến những cô cậu nhóc 6 tuổi có những nhận thức sớm trước tuổi về hành vi chỉ dành cho người lớn này.

Mỹ Quyên (Tổng hợp)

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.