Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trước kỳ họp. Ảnh: Như Ý. |
Phóng viên: Trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm, Ban Bí thư cũng đã quyết định cách hết chức vụ trong Đảng và nhiều cử tri công khai bày tỏ bất tín nhiệm đối với bà Thanh. Vậy vì sao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại áp dụng cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ mà không đưa ra Quốc hội bãi miễn? Còn với trường hợp ĐBQH Đinh Thế Huynh, trong thời gian qua không tham gia các hoạt động của Quốc hội sẽ xem xét ra sao?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ngày 4/5, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư đã có thông báo về việc Đảng đoàn Quốc hội làm thủ tục bãi miễn bà Phan Thị Mỹ Thanh. Cùng ngày đó, bà Thanh đã có đơn đề nghị được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH. Lý do có thể do vấn đề sức khoẻ, do bị kỷ luật Đảng dẫn đến khủng hoảng tinh thần, sức khoẻ giảm sút. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội có báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư quyết định đồng ý chấp nhận đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh để Đảng đoàn Quốc hội cho thôi ĐBQH.
Về nguyên tắc, việc cho thôi ĐBQH thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thế nhưng trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền cho thôi và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ngày 20/5, chúng tôi sẽ có báo cáo Quốc hội về kết quả cho thôi nhiệm vụ ĐBQH bà Phan Thị Mỹ Thanh. Việc này là đúng pháp luật.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào hồ sơ liên quan báo cáo của Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, báo cáo đề nghị của MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và báo cáo của đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, tất cá các cơ quan đều đồng thuận để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bà Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH.
Còn với trường hợp ông Đinh Thế Huynh là cán bộ thuộc diện Bộ chính trị quản lý. Đảng đoàn Quốc hội sẽ xem xét khi các cơ quan của Bộ Chính trị có ý kiến.
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ này, không chỉ riêng bà Phan Thị Mỹ Thanh, mà còn một số trường hợp đại biểu vi phạm pháp luật bị xử lý trong thời gian không diễn ra kỳ họp Quốc hội. Có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa người này ra để Quốc hội bãi miễn, nhưng có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quyết định cho thôi nhiệm vụ ĐBQH. Với trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, cử tri rất bức xúc, bất bình vì được cho thôi mà không phải bãi miễn. Vậy điều này liệu có tạo dư luận trong cử tri rằng, Thường vụ Quốc hội có ưu ái người này, nghiêm khắc với người kia không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Phóng viên có thể cho biết cụ thể xem Thường vụ Quốc hội có ưu ái ai không? Tất cả các trường hợp đều phải theo nguyên tắc, thực hiện theo quy định của luật, không ưu ái ai cả, không có vùng cấm nào cả, mức độ đến đâu thì xử lý đến đó. Hơn nữa là phải chấp hành chỉ đạo của cơ quan quản lý cán bộ.
Các trường hợp xử lý chúng ta đều làm rất nghiêm túc, kể cả trường hợp cho thôi, hay bãi miễn ĐBQH. Tất cả các trường hợp đều làm theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên: Chỉ trong nửa khoá của Quốc hội, nhưng có nhiều ĐBQH đã bị bãi nhiệm, cho thôi nhiệm vụ ĐBQH. Hầu hết các đại biểu này đều là những trường hợp vi phạm pháp luật trước đó. Vậy Quốc hội có rút kinh nghiệm gì trong quá trình xem xét, giới thiệu các ứng viên để bầu làm ĐBQH, tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vấn đề PV nêu rất đúng. Đây là cái chúng ta cần rút kinh nghiệm. Chúng ta cũng không muốn những việc như vậy xảy ra. Trong quá trình bầu cử ĐBQH, những quy định liên quan đến bầu cử, thẩm tra hồ sơ, kiểm tra…cần phải rút kinh nghiệm. Nhiệm kỳ tới đây, khi tiến hành bầu cử cũng phải có những thẩm tra sâu sắc hơn nưa.
Cảm ơn ông!
Tổng thư ký Quốc hội: Bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH là đúng 'quy định'
Tại Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 5 Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký ... |