Nhiều doanh nghiệp phải 'đi đêm' với người dân để gom đất nhưng vẫn không thể triển khai dự án

Theo đại biểu quốc hội, khi triển khai dự án, không ít doanh nghiệp phải mất nhiều năm thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có trường hợp phải thỏa thuận riêng với giá cao hơn, song vẫn rơi vào tình trạng không thể triển khai dự án vì có một số ít người dân không đồng thuận.

Ảnh minh hoạ: Hải Quân.

Liên quan đến quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng 31 trường hợp cụ thể được liệt kê như hiện hành có thể vẫn chưa bao quát hết.

Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.

“Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi lại đất.

Mặt khác, đối với doanh nghiệp, khi triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, có trường hợp phải “đi đêm” để thỏa thuận với giá cao hơn, thiếu công bằng với số còn lại. 

Song, doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, thậm chí còn cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án dù chỉ còn số ít không đồng thuận. Việc này làm doanh nghiệp phải tăng chi phí, lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư. 

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đơn thư phức tạp về đất đai ở các địa phương hiện nay, chiếm đến khoảng 75%", ông Tuấn nói.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trên cơ sở đó, đại biểu này đã đề xuất Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án, xuất phát từ 4 lý do.

Thứ nhất, với 31 trường hợp do Nhà nước thu hồi đất theo quy định, phạm vi bao quát là khá rộng, các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội còn lại thuộc diện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không nhiều.

Thứ hai, không có căn cứ cụ thể, thuyết phục đối với việc phân biệt trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác. 

Thứ ba, thực tế khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thường là đất nông nghiệp, sau đó chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án. Còn người có đất khi chuyển nhượng đất nông nghiệp lại thường đòi hỏi giá cao hơn, tương đương với loại đất khác. Như vậy, về bản chất, có thể nói người bán đang bán thứ mà mình không có. Đại biểu cho rằng đây là điều vô lý.

Cuối cùng, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần khắc phục triệt để khó khăn, vướng mắc bởi bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai hiện hành. Tình trạng đơn thư khiếu kiện sẽ giảm, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch hơn. 

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch. Qua đó, tạo sự công bằng, người có đất thu hồi không bị thiệt thòi.  

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.