Khu Nam Sài Gòn kẹt xe nghiêm trọng, dự án 'giải cứu' còn trên giấy

Là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP HCM, khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) ngày càng có nhiều dự án chung cư, cao ốc mọc lên. Chỉ tính riêng quận 7 đã có 97 chung cư khiến mật độ cư dân rất đông đúc, phương tiện đi lại tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, khu vực này được kết nối với trung tâm thành phố bằng các cầu Tân Thuận, Kênh Tẻ, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ... với mặt đường nhỏ hẹp nên tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Khu Nam Sài Gòn kẹt xe nghiêm trọng, dự án giải cứu còn trên giấy - Ảnh 1.

Kẹt xe liên tục ở hai đầu cầu Kênh Tẻ do đang thi công mở rộng mặt đường. (Ảnh: Hữu Nguyên).

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Tuấn ngụ Nhà Bè cho hay, trước đây cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7) là điểm nóng về ùn tắc, từ ngày thi công mở rộng cầu tình trạng này còn nghiêm trọng hơn. 

"Tôi thường xuyên mất cả tiếng chỉ để đi đoạn đường 3-4 km từ Nguyễn Hữu Thọ đến Khánh Hội", anh Tuấn than.

Nhà ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), anh Hoàng Hữu Thắng cho biết luôn cảm thấy ức chế vì vào trung tâm Sài Gòn giờ cao điểm đường nào cũng kẹt. 

"Đi hướng cầu Tân Thuận thì tắc ở Nguyễn Tất Thành, đi Nguyễn Hữu Thọ thì kẹt ở cầu Kênh Tẻ, vòng qua quận 8 thì cũng vướng cầu Chữ Y đang thi công, hướng cầu Nguyễn Văn Cừ cũng không khá hơn", anh này nói.

Để giải quyết tình trạng này, giữa năm 2017 Sở Giao thông vận tải TP HCM đã cho thi công mở rộng cầu Chữ Y (quận 8 vào trung tâm) và Kênh Tẻ để tăng năng lực giao thông, trong khi chờ các dự án mới.

Theo đó, tại phần cầu dẫn ở đầu quận 4 và 7 của cầu Kênh Tẻ, lề đi bộ (mỗi bên một mét) được tháo dỡ, nâng chiều rộng mặt đường từ 12 lên 14 m. 

Phần cầu chính rộng 14 m được mở rộng lên 16,5 m. Ở hai biên có những đòn tay hẫng vươn ra ngoài thành cầu, làm bản mặt mới để tạo thành lề đi bộ mỗi bên rộng một mét. Tổng vốn đầu tư xây dựng gần 90 tỷ đồng.

Khu Nam Sài Gòn kẹt xe nghiêm trọng, dự án giải cứu còn trên giấy - Ảnh 2.

Ông Jack (người Anh) cùng dòng người chôn chân trên đường Huỳnh Tấn Phát nối Nhà Bè - quận 7 qua quận 4, sáng 5/6. (Ảnh: Hữu Khoa).

Ba nhánh đường đầu cầu dài 400 m được cải tạo, xây tường chắn mới để mở rộng mặt đường vào cầu, tương ứng với bề rộng cầu chính.

Đồng thời, khu vực trung tâm cầu được mở rộng để tăng khả năng rẽ trái, giảm xung đột giữa các dòng xe qua ngã ba. Tổng mức đầu tư mở rộng cầu Chữ Y là hơn 186 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Tại cầu Chữ Y, nhánh chính từ Nguyễn Biểu lên, nhánh xuống Nguyễn Thị Tần và nhánh xuống Hưng Phú (tổng chiều dài gần 500 m) được mở rộng từ 9 lên 12 m. Cầu cũng được nâng cấp tải trọng từ 13 lên 18 tấn.

Ngoài hai công trình trên, để "chia lửa" cho cầu Kênh Tẻ, năm 2017 thành phố có kế hoạch khởi công xây cầu Nguyễn Khoái kết nối quận 7 qua quận 4. 

Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.000 m, kinh phi khoảng 1.250 tỷ đồng, bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Công trình dự kiến khởi công ngay sau đó, hoàn thành trong 18 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Theo quy hoạch, hai đại dự án đường trục Bắc - Nam (9.300 tỉ đồng, nối quận 7, 4 và Nhà Bè) và cầu Thủ Thiêm 4 (5.200 tỉ đồng nối quận 2 và 7) được kỳ vọng giải quyết đáng kể tình trạng kẹt xe ở khu Nam. Tuy nhiên, cả hai dự án này hiện mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu nên chưa biết khi nào mới thực hiện.

Khu Nam Sài Gòn kẹt xe nghiêm trọng, dự án giải cứu còn trên giấy - Ảnh 3.

Dự án cầu Nguyễn Khoái vẫn còn "trên giấy". (Ảnh: Sở GTVT TP HCM).

Dự án mở rộng cầu Chữ Y phải đến cuối năm mới có thể hoàn thành, nguyên nhân là có một số thay đổi so với thiết kế ban đầu để phù hợp với thực tế. 

Cụ thể, quá trình thi công chủ đầu tư phát hiện một số vị trí có chất lượng bêtông kém, không đảm bảo để dùng căng cáp dự ứng lực, phải điều chỉnh giải pháp, tăng cường bằng xây dựng bổ sung kết cấu mới.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh (Phó giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông đô thị) cho biết, dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ đang chờ đơn vị thi công di dời đường ống nước, vật tư nhập từ nước ngoài về. 

Công tác di dời và lắp đặt đường ống nước mới mất khoảng 10 ngày. Ngay khi mặt bằng được bàn giao, tốc độ thi công sẽ được đẩy nhanh để hoàn thành dự án trong tháng 7.

Đối với dự án xây cầu đường Nguyễn Khoái kết nối quận 7 qua quận 4, cơ quan chức năng đang xin chủ trương của thành phố chuyển sang đầu tư công thay vì BT (xây dựng - chuyển giao) như trước đây để đẩy nhanh tiến độ, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc cho khu Nam Sài Gòn.

Trước đó, vấn nạn kẹt xe cũng được mang ra bàn thảo tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong với quận 7. 

Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn cho biết, hai trục đường chính Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành chỉ cần một vụ tai nạn là kẹt xe kéo dài. Vì vậy, cần phải tập trung làm sớm đường trục Bắc - Nam, nếu không tình trạng kẹt xe ngày càng nặng vì dân số ngày càng đông.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.