Trẻ sơ sinh Venezuela bị đặt trong hộp giấy ở bệnh viện | |
Người Venezuela dùng quan tài giấy vì thiếu tiền |
Hàng chục năm qua, việc làm tại tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA giúp người lao động có mức lương trên trung bình, chế độ phúc lợi hào phóng, được tạo điều kiện mua nhà và nghỉ mát ở nước ngoài.
Giờ đây, khi nền kinh tế Venezuela lao dốc, các nhân viên của PDVSA đang phải gắng gượng để trả chi phí cho mọi thứ, từ thực phẩm, tiền xe buýt tới học phí cho con trong bối cảnh lạm phát ba con số đang "nuốt chửng" thu nhập của họ.
Họ buộc phải mang đồ dùng đi cầm cố, quẹt nhẵn thẻ tín dụng, làm thêm và thậm chí bán cả đồng phục của PDVSA để mua thức ăn, theo phỏng vấn của hãng Reuters với hai chục công nhân, thành viên gia đình và các lãnh đạo công đoàn thuộc PDVSA.
Không khó để nhận ra đồng phục của PDVSA trên các xấp quần áo được treo bán ngoài chợ. Ảnh: Reuters |
"Ngày nào cũng có nhân viên PDVSA đến đây để bán đồ”, Elmer, một người bán hàng rong tại khu chợ lớn nhất của thành phố dầu mỏ Maracaibo cho biết. "Họ cũng bán giày, quần, găng tay và mặt nạ”.
Thu nhập trung bình của khoảng 150.000 công nhân tại PDVSA là từ 35 đến 150 USD/tháng cộng với 90 USD hỗ trợ thực phẩm. Theo các công nhân, số tiền đó dù hơn nhiều người Venezuela khác, nhưng vẫn không đủ.
"Đôi khi chúng tôi cho con cái ngủ đến trưa để tiết kiệm được bữa sáng", một công nhân bảo trì làm việc bên bờ hồ Maracaibo gần biên giới Colombia, nơi sản xuất dầu nổi tiếng của Venezuela, cho biết. Anh nói mình đã giảm 5kg trong năm nay vì nhịn ăn để tiết kiệm.
Khủng hoảng kinh tế còn khiến người lao động chán chường, nghỉ việc, dẫn tới tình trạng "chảy máu chất xám" và làm tổn hại tới năng suất của ngành công nghiệp chiếm hơn 90% doanh thu xuất khẩu của Venezuela.
"Phần lớn chúng tôi làm việc không còn năng suất như trước nữa, bởi phải tập trung giải quyết gánh nặng kinh tế để sống sót", công nhân bảo trì cho biết.
Sản lượng dầu của Venezuela sụt giảm trong năm nay, giáng thêm đòn trí mạng vào chính quyền không được lòng dân của Tổng thống Nicolas Maduro vốn chịu nhiều áp lực từ sau khi giá dầu sụt giảm năm 2014.
Ở thị trấn dầu mỏ Ciudad Ojeda bên bờ hồ Maracaibo, một cựu nhân viên PDVSA cho hay, ông đã bán được 4 bộ đồng phục và một đôi giày để nuôi ba đứa con. Ông đã nghỉ việc ở PDVSA vào đầu năm nay vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ công việc lái taxi ngoài phố. Ông cũng đổi một đôi giày khác để đổi lấy thịt và bán cả đồ nội thất trong nhà để mua thực phẩm.
Xa hơn về phía bắc, tại tổ hợp lọc dầu Paraguaná, một người thợ máy có hai con cho biết gần đây anh đã bán một đôi giày mới của mình với giá khoảng 7 USD.
"Bán rẻ cho nhanh để còn mua thức ăn", anh nói.
Cảnh tượng xếp hàng dài để chờ mua lương thực không còn xa lạ ở venezuela - quốc gia đang chìm sau trong khủng hoảng. Ảnh: Reuters |
Người lao động giờ còn phải ăn bớt thời gian làm việc để xếp hàng chờ lấy thức ăn. Tại nhà ăn của công ty Petrocedeno ở phía đông Venezuela, công nhân còn xếp hàng trước cả tiếng vì sợ hết đồ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo PDVSA, công nhân của họ vẫn rất hạnh phúc và truyền thông nhà nước thường xuyên đưa hình ảnh nhiều người công nhân ăn mừng.
"Dù PDVSA chưa thoát khỏi tình hình giá dầu giảm, công nhân của chúng tôi vẫn không bị ảnh hưởng và sẵn sàng nghĩ ra những sáng kiến mới để thúc đẩy các dự án lớn", công ty cho hay.
Giận dữ trước tình hình hiện tại, nhưng công nhân của PDVSA không dám lên tiếng.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng, các doanh nhân được Mỹ hậu thuẫn đang gom hàng hóa để lật đổ chính phủ của ông. Một số công nhân cũng tin vào điều này. Tuy nhiên, rất nhiều người đã nhắc đến chuyện rời PDVSA, thậm chí là Venezuela.
"Làm việc có ý nghĩa gì khi chúng tôi không thể có cuộc sống tốt đẹp", một cựu chuyên gia tự động tại PDVSA cho biết. Năm ngoái, anh đã chuyển tới Mỹ và giờ đang làm vài công việc khác nhau.
"Tôi không hối hận", anh khẳng định.