Kì lạ chợ đất lớn nhất Sài thành

Mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn tro trấu, xơ dừa, đất sạch nhưng chợ không đông, không tấp nập, không kỳ kèo, không tiếng trả giá mà trái lại, đợi chờ mòn mỏi cũng chỉ vài người tiện đường ghé qua mua lẻ vài bao, số chính do cánh xe tải tới lấy rồi mang đi phân phối cho những cơ sở trong thành phố.

Theo chân lái đất

cho dat lon nhat sai thanh
Mỗi ngày chợ tiêu thụ hàng ngàn tấn đất.

Ở Sài Gòn, những năm gần đây nhu cầu trồng cây kiểng, rau sạch ngày một tăng nên đất trồng trở nên khan hiếm. Nhiều người chọn đất sạch bán sẵn cho tiện nhiều thứ và loại này đã đủ chất dinh dưỡng tự nhiên cần thiết trong nó, lại giữ được nước nên không phải mất nhiều công chăm bón.

Theo chân Bình, một người kinh doanh đất sạch tại quận Gò Vấp chúng tôi đến cầu An Hạ, cây cầu nối liền giữa hai huyện Củ Chi và Hóc Môn của TPHCM – nơi được mệnh danh là chợ đất lớn nhất Sài Gòn. Đúng như lời giới thiệu của Bình, từ trên cầu có thể thấy những bao đất, đủ chủng loại được chất đầy bên mé kênh Xáng.

cho dat lon nhat sai thanh
Chợ nằm ngay chân cầu An Hạ.

Sở dĩ chợ nằm sát mé sông vì thuận tiện trong việc giao thương đường thủy lẫn bộ. Theo các chủ hàng ở đây, mặt hàng này chủ yếu nhập từ miền Tây lên nên thuê ghe đi đường sông rẻ hơn xe đường bộ, giúp tiết kiệm được nhiều thứ, nhất là chi phí vận chuyển. Và từ cầu An Hạ, đất có thể đi đến bất cứ đâu trong thành phố do đường sá thuận tiện đi lại.

Chỉ tay vào đống đất được bao bọc kỹ Bình nói: “Tuy đều là hàng nhẹ, dễ vận chuyển nhưng một khi đã ngấm nước thì nặng chẳng khác gì… xi măng. Khi đó phải mất công chế biến lại tốn kém nên khâu bảo quản khá quan trọng”.

Đa phần các vựa tập trung theo dạng mua đi bán lại ăn chênh lệch. Tức họ nhập nguyên “con” từ dưới miền Tây lên, xơ dừa mua bên Bến Tre, tro trấu thì nhập từ An Giang, còn những bao phân gia súc thì mua từ nhiều nguồn, cả người chăn nuôi trong thành phố.

Ở đây vẫn có một vài cơ sở trộn hỗn hợp này lại theo công thức tự đóng gói và bán ra thị trường với sản phẩm mang thương hiệu riêng. Anh Quang Toản, chủ một cơ sở chia sẻ: “Các cơ sở mở ra là nhiều người quen kết hợp nhau làm ăn, chủ yếu kiếm cái nghề còn lợi nhuận không cao hơn người mua đi bán lại là bao, vì mỗi bao đất khi đến tay người dùng đã tiêu tốn nhiều thứ: tiền nhân công, nguyên liệu, chi phí vận chuyển, máy móc… nhưng cái chính là được làm chủ nên ai cũng thích”.

Chợ độc đáo

cho dat lon nhat sai thanh
Hiếm khi thấy chợ sôi động dù hàng hóa ra vào thường xuyên.

Hơn 10 năm qua, chợ đất bên dòng kênh Xáng đã trở thành đầu mối cung cấp đất cho cả Sài Gòn. Người nhiều đã có 15 năm gắn bó với nghề, số ít thì 3 – 5 năm. Làm nghề lâu năm nhưng chẳng mấy khi các đối tác này gặp nhau vì đặt hàng, giao dịch đều qua điện thoại.

Chị Nguyên, một chủ trẻ kể: “Trên này mà thiếu hàng, chỉ cần cú điện thoại là thuyền giao đến tận nơi. Ở Sài Gòn, các cơ sở bán lẻ cần hàng, cũng một cú điện thoại, các chủ vựa sẽ cho xe giao đến”. Hiện cơ sở của chị mỗi ngày đưa ra thị trưởng khoảng 800 bao đất đủ chủng loại và con số tăng dần theo từng năm. Mỗi năm, chị thường có khoảng 3 đến 4 chuyến xe hàng xuất đi các vựa ở miền ngoài. Mỗi chuyến hàng chục tấn.

Dù là mặt hàng “chính gốc” miền Tây nhưng “thị trường” đang ngày càng mở rộng ra nhiều nơi khác như lên tận Tây Nguyên, ra cả miền Bắc, miền Trung. Các vựa bên cầu An Hạ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa đi khắp nơi.

“Ở miền ngoài người ta chủ yếu dùng rơm ủ cho mục nát rồi đem trồng cây, còn đất làm từ tro trấu, xơ dừa chưa có phổ biến. Hơn nữa, những thứ nguyên liệu dùng để chế biến không phải dễ kiếm như trong miền Nam, nên hàng từ Nam ra Bắc là điều dễ hiểu”, lái Bình cho biết.

cho dat lon nhat sai thanh
Nhu cầu trồng rau sạch của người thành phố tăng cao góp phần làm nghề "bán đất" phát triển.

Nhưng để đưa hàng ra tới ngoài Bắc là điều không phải dễ, đi kèm với đó là một loạt những chi phí phát sinh, buộc giá phải đẩy cao lên nhiều lần. Nếu như một bao xơ dừa, tro trấu ở Sài Gòn dao động từ 10.000đ, đất sạch khoảng 35.000đ, nhưng khi ra tới Nghệ An hay Hà Nội, thường cao gấp 5 đến 6 lần, chủ yếu để bù chi phí vận chuyển.

Chợ đất có một số khá đông nhân công, chủ yếu làm trong các cơ sở chế biến đất sạch, số còn lại theo dạng bán thời gian với công việc chính là dỡ hàng xuống thuyền, chất bao lên xe tải. Như anh Ngọc Ngoan, làm nông có nhà gần chợ nên khi nông nhàn ai cần ới một tiếng là anh ra phụ xúc trộn, bưng bê kiếm hơn trăm ngàn một ngày.

Ở Sài Gòn giờ đây, nhiều người như được “mặc định”, cứ trồng rau, cây kiểng, hoa màu…đều tìm đến các loại đất sạch đã đóng bao sẵn. Vậy nên những vựa đất dọc theo bên bờ kênh Xáng đang góp phần tô điểm thêm cho sự đa dạng của những khu chợ độc đáo nơi đất Sài Thành, và giúp những ai đang muốn gác lại sự tri thức, tìm chút thảnh thơi qua việc trải nghiệm công việc nhà nông.

chọn