Kì thi THPT Quốc gia 2018: Thí sinh lưu ý khi đăng kí bài thi tự chọn

Ở kì thi THPT Quốc gia năm nay, học sinh sẽ làm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội. Nhiều thầy cô cho rằng, mặc dù năm nay, hình thức thi không thay đổi, nhưng ở phần đề thi minh họa mới công bố, ngoài kiến thức lớp 12 là chính như mọi năm, thì kiến thức phủ rộng hơn ở lớp 11 khiến thầy trò khá vất vả khi kiến thức nặng thêm…

Năm “nặng”, năm… “nhẹ”?

Năm nào cũng thế, cứ vào học kì 2 hàng năm, trước những thay đổi ít nhiều về đề thi, phương thức thi của Bộ GD-ĐT, các nhà trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi.

Nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, môn Toán thi theo hình thức tự luận và các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm thì đến năm 2017, Bộ GD-ĐT quyết định môn Toán chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng vậy, hàng triệu học sinh thấp thỏm ngóng chờ đề thi minh họa.

Ngay sau khi Bộ công bố đề thi này, nhiều trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Nhiều thầy cô giáo nhận xét, đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có độ khó và tính phân loại cao hơn so với đề thi chính thức của năm 2017.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Theo đánh giá của giáo viên thì đề thi phân hóa cao, khả năng sẽ không còn mưa điểm 10 như năm trước nữa.

ki thi thpt quoc gia 2018 thi sinh luu y khi dang ki bai thi tu chon

Thí sinh cần thận trọng khi đăng kí bài thi . (Ảnh minh họa)

Giáo viên đã nghiên cứu đề thi và chủ động kiểm tra kiến thức theo từng phần của đề thi xem các em nắm kiến thức được tới đâu.Từ đó, giáo viên rút kinh nghiệm trong cách dạy học, ôn luyện để việc luyện thi đạt hiệu quả thiết thực. Đối với đặc thù Trường Đinh Tiên Hoàng thì giáo viên sẽ chỉ chú trọng rèn luyện cho học sinh đạt mức độ kiến thức cơ bản...

Tháng 3 này, trường kiểm tra nửa học kỳ 2, các thầy cô sẽ ra bộ đề tương ứng với đề thi minh họa để kiểm tra đánh giá học sinh.

Thầy Phạm Trung Hiếu, giáo viên môn Toán một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đề thi môn Toán có những câu quá dễ, có những câu lại quá khó. Có những câu học sinh “học vẹt” là được điểm chứ không hề đòi hỏi kỹ năng tư duy. Vì thế, theo thầy Hiếu, để đánh giá đúng năng lực của học sinh cần có nhiều mức độ khó dễ khác nhau.

Đồng quan điểm, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, đề thi minh họa năm nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Ví dụ, đối với đề thi Văn dù đã bao quát được kiến thức của lớp 11, lớp 12 nhưng nhiều câu hỏi trắc nghiệm khá vụn vặt, không đào sâu kiến thức và không giúp cho học sinh phát triển tư duy sáng tạo.

Số lượng câu hỏi nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của người làm bài. Theo tôi, đề thi THPT Quốc gia sắp tới phải sát đối tượng học sinh của các trường, các vùng miền..., phải đảm bảo đề thi không quá dễ, hoặc quá khó để đánh giá đúng năng lực học sinh.

Tránh rơi vào tình trạng như kỳ thi năm 2017, tỷ lệ câu hỏi dễ cao, không có sự phân hóa hợp lý nên dẫn đến lạm phát điểm 10. Đề trắc nghiệm phải đảm bảo 2 tính chất là độ tin cậy và độ giá trị, rèn luyện kỹ năng tư duy, mức độ suy luận cho học sinh...

Bao giờ ổn định?

TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ năm 2018, nội dung thi THPT Quốc gia sẽ nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT.

Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi THPT nằm trong chương trình toàn cấp THPT. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Thầy Phạm Trung Hiếu cũng cho rằng, năm nào Bộ cũng đổi mới đề thi bằng cách tăng thêm một lượng kiến thức khiến thầy trò khá chật vật trong việc học tập và ôn luyện. Bộ đã chủ trương kỳ thi sẽ được giảm tải thì nên giảm bớt những kiến thức không cần thiết, chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, mỗi năm cấu trúc đề thi lại có sự thay đổi nên năm nào các em cũng phải ngóng chờ đề thi minh họa của Bộ để định hướng việc ôn tập.

Mặc dù, chủ trương của Bộ là giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, đánh giá thực chất, nhưng thực tế cách làm hiện nay lại không theo hướng đó, mỗi năm lại tăng thêm kiến thức.

Đại diện một Sở GD-ĐT miền núi phía Bắc cho rằng, tất nhiên phải có đổi mới để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng đổi mới phải có lộ trình, phải có sự ổn định để còn kịp chuẩn bị. Giáo viên, học sinh đều mong muốn Bộ sớm ổn định kỳ thi THPT Quốc gia để các trường, thầy trò yên tâm học tập.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ, quy chế thi THPT Quốc gia cho phép thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là quy định có tính khuyến khích cao vì ở những kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016, thí sinh thi nhiều môn nhưng chỉ có thể dùng môn đã đăng ký trước khi thi để xét tốt nghiệp THPT, dù cho môn này điểm thấp hơn các môn tự chọn khác đã thi.

Song, cần lưu ý rằng với quy định học sinh hệ giáo dục phổ thông phải thi tối thiểu 4 bài, mỗi thí sinh đã phải thi 6 môn thi độc lập thay vì 4 môn như những năm trước. Để thi hết cả 5 bài của kỳ thi THPT Quốc gia 2017, thí sinh thi 9 môn chứ không phải 8 môn như ở năm 2015 và năm 2016.

Trong năm 2017, số học sinh chọn cả hai bài thi tự chọn tuy tỷ lệ chưa vượt quá 10% tổng số thí sinh, con số đã lên đến gần 70.000 học sinh, lớn hơn gấp nhiều lần so với năm 2015 và năm 2016.

Hà Nội sắp bước vào thi thử

Từ ngày 14 đến hết ngày 17/3, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra cho học sinh lớp 12 THPT và Giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố, theo hình thức như thi THPT Quốc gia. Cụ thể, học sinh sẽ phải làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Riêng học sinh khối Giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ thi 3 bài gồm 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và chọn một trong hai bài tổ hợp. Giống như thi THPT Quốc gia, trừ môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận, các bài còn lại là trắc nghiệm khách quan.

Đề kiểm tra do Sở GD&ĐT Hà Nội ra, với cấu trúc và mức độ khó dễ tương đương đề thi THPT quốc gia. Phạm vi kiến thức thuộc chương trình lớp 11, 12, nhưng nội dung ở lớp 12 là chủ yếu. Kết quả có thể được sử dụng làm điểm kiểm tra thường xuyên (tùy điều kiện của từng trường THPT), nhưng Sở yêu cầu “tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo quy định”.

Năm 2017, trước sự đổi mới phương thức thi THPT Quốc gia với phần lớn môn thi trắc nghiệm, thành phố Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra khảo sát, cho học sinh làm quen dần với cách thi mới. Kết quả, kỳ thi THPT Quốc gia năm trước, học sinh Thủ đô chiếm số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất cả nước, với 621 bài. Hơn 99,3% số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.