Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước diễn ra ngày 21/6, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã có những thông tin về việc kiểm soát rủi ro tín dụng trong các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, dự kiến đến hết tháng 6, dư nợ trong lĩnh vực chứng khoán chiếm khoảng 0,48% tổng dư nợ nền kinh tế, đạt 46.700 tỷ đồng, chỉ tăng 400 - 500 tỷ đồng so với tháng 4 và tháng 5
Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chứng khoán đến hết tháng 6 dự kiến không thay đổi nhiều so với tháng 4 - 5 là do thị trường chung tăng lên, dẫn đến tỷ trọng cho vay lĩnh vực này vẫn ở mức thấp so với tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, chứng khoán là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt khi thời gian qua thị trường này biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, người vay, mục đích vay…
Đối với với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đây luôn là lĩnh vực mà cơ quan quản lý tiền tệ kiểm soát chặt chẽ về rủi ro. Theo đó đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản là 4,83% và dự kiến đến hết tháng 6 sẽ đạt 5,5%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tăng trưởng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại giá đất nền tại các địa phương giảm nhiều, thị trường đã ổn định. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tín dụng bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cơ quan quản lý tiền tệ đã có chỉ đạo với những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn, tỷ lệ tăng nóng thời gian qua.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng chậm lại rõ rệt. Nếu như tín dụng vào lĩnh vực bất động sản năm 2018 tăng khoảng 26,76%, số này đã giảm dần trong các năm sau đó là 21% năm 2019 và 11,89% năm 2020.
Lý do chính khiến tín dụng vào bất động sản năm vừa qua tăng chậm, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động đầu tư giảm mạnh, thậm chí mức tăng kể trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm.
Về trái phiếu doanh nghiệp, đến hết tháng 4 có khoảng 257,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dự báo đến hết tháng 6 tăng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm nên Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều hành tín dụng thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân..