Kiểm soát 'sốt đất' trong quá trình phát triển đô thị

Các thông tin quy hoạch hạ tầng nói chung của các dự án trọng điểm trong vùng TP HCM cũng như cả nước đều được công bố công khai trên website và phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về việc quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Thông tin trên được Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải tại hội thảo "Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TP HCM mở rộng năm 2021" do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức ngày 16/4 tại TP HCM.

Theo Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, thực hiện Luật Quy hoạch, các bộ, ngành đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, các địa phương đang thực hiện quy hoạch tỉnh. Đây là thời điểm dễ gây tình trạng sốt đất cục bộ tại một số khu vực khiến cho giá đất khó kiểm soát trên thị trường, nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro cao.

"Ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương, pháp lý bất động sản, giá trị sử dụng thực của đất", Tiến sĩ Lê Đỗ Mười nêu quan điểm.

Nói về việc phát triển quy hoạch đô thị, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, phát triển đô thị hiện nay gặp khó khăn chủ yếu là quy hoạch các quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án còn nhiều bất cập trong khi giá đất liên tục tăng cao. 

Vì thế để hài hòa được vấn đề này nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, đặc biệt thu hồi đất để tạo ra các quỹ đất lớn sau đó đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó, cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn.

Dưới góc độ quản lý chuyên ngành tại địa phương, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, UBND TP vừa phê duyệt Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng hiệu quả đất đai; trong đó có việc mở rộng biên các tuyến đường giao thông. 

Hiện nay Sở TNMT đang lấy ý kiến tham mưu để ban hành kế hoạch thực hiện đề án. Tuy nhiên, không thể áp dụng ngay được do liên quan đến pháp lý thu hồi đất và cần áp dụng cơ chế thí điểm.

Chia sẻ về bức tranh thị trường bất động sản vùng TP HCM, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, có 7 yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà ở gồm quy hoạch xây dựng, sự phát triển của hệ thống giao thông liên kết vùng, sự phát triển của một số khu công nghiệp, hệ thống mạng lưới đô thị các vùng, di chuyển dân cư về đô thị vệ tinh, nguồn cung nhà ở và chính sách khuyến khích của các địa phương.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, Công ty DKRA Việt Nam, khi thị trường bất động sản TP HCM sụt giảm nguồn cung đã dẫn đến các khu vực vùng ven tăng lên như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu... chưa kể sự thay đổi cơ cấu sản phẩm.

"Bên cạnh sự phát triển khá nhộn nhịp trong thời gian qua, thị trường bất động sản vùng THCM cũng đối diện với nhiều thách thức khi hạ tầng chưa đồng đều, dự án nhỏ lẻ chưa đảm bảo pháp lý, tình trạng "sốt đất ảo", tâm lý lướt sóng của nhà đầu tư, mức giá tăng nhanh, nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún thiếu tính đồng bộ và kết nối…", đại diện Công ty DKRA Việt Nam cho hay.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.